Vốn huy động bằng vàng khó tìm hướng ra

Trong tương lai gần, có thể phải tính đến việc chỉ giữ hộ vàng cho khách hàng, thậm chí tính phí, thay vì trả lãi suất cho người gửi vàng như hiện nay.

Vốn huy động bằng vàng khó tìm hướng ra - 1
Người dân vẫn có xu hướng giữ vàng (ảnh minh họa)
 
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư số 17/2010/TT-NHNN gia hạn thời gian cho các tổ chức tín dụng đang kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài có trách nhiệm tất toán, đóng các tài khoản kinh doanh vàng ở nước ngoài chậm nhất vào ngày 31/7, thay vì ngày 30/6/2010 như quy định trước đó.

Các ngân hàng có thêm một tháng để tất toán, đóng các tài khoản kinh doanh vàng ở nước ngoài. Điều này tạo điều kiện cho các nhà băng trong việc cân đối nguồn, nhất là khi vốn huy động bằng vàng đang tồn kho khá lớn tại các ngân hàng.

Tổng giám đốc một ngân hàng cho biết, dù đã giảm lãi suất huy động bằng vàng xuống mức thấp nhất từ trước đến nay, chỉ còn khoảng 0,05%/năm áp dụng cho tất cả các kỳ hạn, song lượng vàng vẫn không ngừng “chảy” vào ngân hàng. Trong đó, một phần vàng huy động khá lớn là của giới kinh doanh gửi ngân hàng để chờ giá lên bán ra kiếm lời.

Theo quy định trước đây, các ngân hàng thường bán vàng huy động với tỷ lệ cho phép tối đa 30% lượng vàng huy động được để chuyển thành tiền đồng cho vay. Số vàng bán đi được mua đối ứng trên tài khoản quốc tế. Còn nay, muốn hoàn tất đóng trạng thái, các đơn vị này phải bán vàng trên tài khoản quốc tế và mua lại vàng trong nước.

Còn việc gia hạn thời gian thêm 1 tháng theo Thông tư trên là để các ngân hàng có thêm điều kiện tất toán trạng thái, đóng các tài khoản kinh doanh vàng ở nước ngoài, chứ không phải cho phép ngân hàng được tiếp tục kinh doanh.

Tại Eximbank, ông Đào Hồng Châu, Phó tổng giám đốc ngân hàng này cho biết, Eximbank đã hoàn tất việc tất toán trạng thái, đóng các tài khoản kinh doanh vàng ở nước ngoài. Vì thế, việc được gia hạn thời gian thêm một tháng cũng không mở ra cơ hội kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài cho nhà băng này.

Lý do là, quy định của NHNN chỉ cho phép các ngân hàng chưa tất toán hết trạng thái có thêm thời gian để đóng tài khoản kinh doanh vàng ở nước ngoài. Chính điều đó đã buộc các ngân hàng phải nghĩ đến việc hạ dần lãi suất huy động vốn bằng vàng.

Theo đại diện của Sacombank, trong tương lai gần, sẽ phải tính đến việc chỉ giữ hộ vàng cho khách hàng và thậm chí có thể tính phí, thay vì trả lãi suất cho người gửi vàng hiện nay. Tại Sacombank, lãi suất huy động vốn bằng vàng cũng từng bước được cắt giảm và hiện chỉ còn 0,05%/năm đối với vàng SJC và 0,07%/năm áp dụng cho nhãn hiệu SBJ.

Các ngân hàng cho rằng, lượng vàng huy động về hiện nay rất khó tiêu thụ. Khách hàng không muốn vay vốn bằng vàng, vì sợ rủi ro do giá vàng biến động.

Giới kinh doanh bất động sản cũng thôi dùng vàng làm thước đo trong việc mua, bán. Đáng chú ý là, kể từ khi các sàn giao dịch vàng phải đóng cửa, lượng vàng huy động tồn kho càng khó giải quyết hơn, do tín dụng bằng vàng giảm.

Vốn cho vay bằng vàng giảm mạnh kể từ khi các sàn vàng đóng cửa và đến nay phải tất toán trạng thái và đóng tài khoản kinh doanh vàng nước ngoài, nên không còn lối ra cho nguồn vốn huy động bằng vàng.

Trong khi đó, vàng vẫn được giới đầu cơ tìm đến như nơi trú ẩn khi thị trường biến động. Đây chính là nguyên nhân buộc các ngân hàng phải tính kỹ hơn bài toán lãi suất huy động vàng để có thể cân đối nguồn.

Hiện cả thị trường chỉ duy nhất còn ACB duy trì trạng thái kinh doanh vàng nước ngoài. ACB cho biết, mảng kinh doanh vàng trở nên trì trệ kể từ khi sàn vàng ngưng hoạt động và phải tất toán dần trạng thái kinh doanh vàng nước ngoài, dẫn đến lượng vàng tồn kho rất lớn, mà chưa tìm được lối ra.

Theo Vân Linh
Báo Đầu tư