1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vỡ đường ống nước sông Đà: Đừng để vỡ niềm tin và trách nhiệm!

Đây là lần vỡ thứ 8 và thứ 9 kể từ khi hệ thống này đi vào vận hành.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* TPHCM: Lương giám đốc kinh doanh cao nhất 161 triệu đồng/tháng
* Tỷ giá giảm mạnh, vì sao?
* Giá xăng dầu Việt Nam cao hơn Mỹ: Đẩy khó người tiêu dùng?
* Trung Quốc đem Biển Đông đi đăng ký “di sản văn hóa UNESCO”

Dư luận chưa hết bàng hoàng về chuyện hàng nghìn hộ dân ở khu đô thị mới Mỹ Đình 2, Hà Nội sử dụng nước nhiễm chất cực độc asen hay còn gọi là thạch tín thì lại đón nhận thêm tin 3 ngày cuối tuần, đường ống nước sông Đà vỡ liên tiếp hai lần.
 
Đây là lần vỡ thứ  8 và thứ 9 kể từ khi hệ thống này  đi vào vận hành. Việc vỡ ống nước sông Đà là một sự cố nghiêm trọng bởi mỗi lần đường ống vỡ, cuộc sống của hơn 70.000 hộ tức gần 1 triệu người dân ở Hà Nội bị đảo lộn. Từ sự việc vỡ ống nước người ta buộc phải nghĩ về câu chuyện trách nhiệm. Bình luận" Đừng để vỡ niềm tin  và trách nhiệm".

Nếu cứ vỡ ống nước sông Đà thì lại đi vá như cách làm hiện nay nhiều người đã ví von: "Chữa kiểu này chẳng khác nào mua vải về vá chiếc áo giấy". Chắc chắn số lần vỡ sẽ  còn tăng nhanh và 3 ngày với 2 lần vỡ liên tiếp chứng  minh cho ví von đó là đúng. Nhiều người dân thở dài  rồi đặt câu hỏi: Tại sao công trình lên tới 1.500 tỷ đồng lại kém chất lượng đến thế? Đưa vào sử dụng từ năm 2009 đến nay nhưng đường ống dẫn nước sạch sông Đà đã vỡ tới 9 lần.

Đường ống sông Đà vỡ lần thứ 9 và có khả năng vỡ tiếp (Ảnh: ANTĐ)
Đường ống sông Đà vỡ lần thứ 9 và có khả năng vỡ tiếp (Ảnh: ANTĐ)

Sau nhiều lần vỡ ống, đổ lỗi nền đất yếu, môi trường khắc nghiệt và cả 101 lý do khác, mãi gần đây sau 2 tháng thanh kiểm tra, Bộ Xây dựng mới tìm được nguyên nhân vỡ đường ống dẫn nước sông Đà là do chất lượng đường ống: Cụ thể chất lượng ống không đồng đều, nhà cung cấp ống composite chưa chứng minh được việc đảm bảo kỹ thuật trong sản xuất ống, cũng như độ bền trong thời gian khai thác sử dụng; đơn vị giám sát năng lực hạn chế, tổng thầu thiết kế thì thiếu kinh nghiệm. Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex) sẽ phải chịu trách nhiệm cao nhất về công tác quản lý chất lượng trong toàn bộ quá trình thi công đường nước sông Đà..

Vài năm trước, đường ống dẫn nước sông Đà vốn được xem là công trình trọng điểm  của Vinaconex. Một câu hỏi nhiều người đặt ra đó là việc một đơn vị lớn như Vinaconex, thực hiện hàng loạt những công trình xây dựng quy mô lớn trên mọi miền đất nước lại thi công ra một công trình khó chấp nhận như vậy?

Thông thường  một công trình cỡ nghìn tỷ như thế thì ngay từ khâu thiết kế đã phải được rất nhiều ngành, nhiều cấp phê duyệt hoặc tham góp ý kiến. Khi thi công thì có các đơn vị tư vấn, đơn vị giám sát công trình, còn khi nhiệm thu có cả Hội đồng nghiệm thu cỡ nhà nước vậy mà mọi việc êm xuôi, thậm chí công trình này còn được đóng dấu chất lượng vàng?
 
Chính điều này khiến dư luận không khỏi nghi ngờ về việc có hay không  sự “bắt tay ngầm” giữa nhà thầu, đơn vị cung cấp vật liệu, đơn vị tư vấn, giám sát? Đã có thông tin, thời điểm khởi công dự án này, riêng cho chi phí làm đường ống bằng composite cốt sợi thủy tinh đã lên tới gần 500 tỷ đồng. Và như thế cần có sự thanh tra rõ ràng trong việc tại sao đơn vị thi công lại sử dụng đường ống khi chưa chứng minh được “độ bền"? Có hay không “lợi ích nhóm” ở dự án thi công đường ống dẫn nước sông Đà? Và rồi ai sẽ là người  đo đếm được số tiền lãng phí do chọn "nhầm" loại đường ống này ? Và cuối cùng ai phải chịu trách nhiệm về lãng phí đó?

May mắn là giữa lúc Hội đồng nhân dân TP Hà Nội họp, cũng là lúc đường ống nước sông Đà vỡ. Câu chuyện trách nhiệm được đặt ra gay gắt và ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã thừa nhận,  công trình nghìn tỷ thường xuyên gặp sự cố có phần trách nhiệm của Thành phố khi: "thành phố chưa phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư để kiểm tra, giám sát về thiết kế, thi công dự án, nhất là tuyến đường ống".

Trong quá trình chủ đầu tư thiết kế thi công đường truyền dẫn, cũng chưa có sự phối hợp với chủ đầu tư trong việc kiểm tra, giám sát về thiết kế, thi công dự án, nhất là tuyến đường ống. Và thành phố không còn đủ kiên nhẫn với Vinaconex, không để đơn vị này" đùa" với cuộc sống của cả triệu người dân nên  sẽ đầu tư thêm một đường ống dẫn nước thứ 2.

Câu chuyện có thể chuyển sang theo chiều hướng vỡ thì làm ống mới nhưng với người dân họ cần sự minh bạch, minh bạch đến cùng. Người dân mong chờ và đòi hỏi cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong sự cố vỡ đường ống nước sông Đà. Không thể để niềm tìn của người dân bị vỡ theo những ông nước và nhất quyết không để tiền nghìn tỷ của dân bị vùi sâu xuống đất mà không có ai chịu trách nhiệm.

Theo Trần Đức Thành
VOV
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm