Vợ chồng Lê Diệp Kiều Trang và 2 dự án khởi nghiệp 1 nổi tiếng, 1 tai tiếng
(Dân trí) - Trước khi bị bán với giá 260 triệu USD, dự án Misfit Shine của vợ chồng Lê Diệp Kiều Trang đã liên tục gây tiếng vang trong làng khởi nghiệp Việt. Còn dự án xe đạp in 3D thì dính lùm xùm.
Từ gọi vốn cộng đồng đến thương vụ 260 triệu USD
Năm 2011, công ty Misfit Wearables đã được thành lập bởi Sonny Vũ, John Sculley - cựu CEO của Apple và Pepsi cùng Sridhar Iyengar - cựu Giám đốc kỹ thuật của AgaMatrix.
Công ty chuyên sản xuất các thiết bị đeo được như đồng hồ thông minh, vòng đeo tay và các sản phẩm theo dõi sức khỏe và hoạt động thể chất. Công ty cũng chuyên nghiên cứu và chế tạo những phụ kiện y tế hỗ trợ sức khỏe gắn liền với công nghệ cảm ứng di động.
Năm 2012, Misfit quyết định triển khai chiến dịch gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) cho Shine - thiết bị thông minh đeo trên người để theo dõi, đo đạc các chỉ số sức khỏe. Công ty đăng sản phẩm lên website Indegogo để kêu gọi vốn.
Dù tại thời điểm đó, Indiegogo không nổi tiếng như hiện nay, nhưng chỉ sau 10 giờ đăng tải, dự án đã đạt được con số mục tiêu đề ra là 100.000 USD. Kết thúc thời gian, Misfit Shine thu hút được nguồn vốn lên đến 846.000 USD với gần 8.000 người tham gia tài trợ.
Chính nhờ sự thành công của dự án Misfit Shine trên Indiegogo, Misfit đã thu hút được nhiều quỹ đầu tư lớn trên thế giới lúc bấy giờ, công ty đã thu hút 7,6 triệu USD từ vòng gọi vốn series A.
Đầu năm 2013, Shine chính thức ra mắt người tiêu dùng với giá bán là 79 USD. Chỉ trong vài tháng, đã có hàng trăm nghìn sản phẩm Shine được bán ra tại hơn 20 quốc gia trên thế giới.
Với sự thành công của trên, công ty tiếp tục thu hút được 15,2 triệu USD từ các nhà đầu tư lớn trên thế giới trong series gọi vốn B. Các nhà đầu tư tham gia vào Misfit là các công ty, quỹ đầu tư lớn như Khosla Ventures, quỹ đầu tư mạo hiểm Founders Fund, O'Reilly AlphaTech Ventures hay Paypal.
Đến năm 2014, công ty tiếp tục đón nhận khoản đầu tư 40 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C từ Xiaomi, JD.com, GGV Capital, Shunwei và các nhà đầu tư đã góp vốn trước đó.
Như vậy, chỉ trong 4 năm thành lập và hoạt động, Misfit đã kêu gọi được 3 vòng tài trợ vốn với giá trị lên gần 63 triệu USD.
Số vốn gọi được của công ty cũng cho thấy sự quan tâm và ủng hộ của các nhà đầu tư với tiềm năng phát triển của công ty trong lĩnh vực đồng hồ thông minh và thiết bị đeo được.
Cuối năm 2015, Misfit đã chính thức được tập đoàn thời trang nổi tiếng Fossil Group mua lại với giá 260 triệu USD.
Fossil Group là một tập đoàn lớn với các thương hiệu đồng hồ nổi tiếng như Fossil, Michael Kors, Diesel, Emporio Armani, Skagen và nhiều thương hiệu khác.
Sau khi được mua lại, Misfit đã được sáp nhập vào Fossil Group Connected Devices và các sản phẩm của Misfit thuộc hệ thống thương hiệu của Fossil Group.
Vỡ mộng với dự án xe đạp in 3D từng gây chú ý
Vợ của ông Sonny Vũ là bà Lê Diệp Kiều Trang từng tham gia điều hành Misfit cùng chồng với tư cách giám đốc tài chính của công ty chuyên về thiết bị đeo thông minh này.
Bà cũng hiện là CEO Công ty Arevo Việt Nam - doanh nghiệp được quảng cáo là công ty sản xuất xe đạp bằng công nghệ in 3D sợi carbon đầu tiên trên thế giới.
Trước khi làm CEO công ty này, Lê Diệp Kiều Trang từng trải qua nhiều vị trí như CEO Facebook Việt Nam, CEO GoViet. Bà cũng nổi tiếng trong cộng đồng khởi nghiệp.
Gia thế của bà Lê Diệp Kiều Trang cũng tương đối "khủng" khi có bố là ông Lê Văn Trí, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Cao su miền Nam (Casumina), anh trai là Lê Trí Thông, nguyên Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á và hiện là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ).
Tuy nhiên, mới đây, trang gây quỹ cộng đồng Indiegogo công bố 2 dự án của vợ chồng bà Lê Diệp Kiều Trang là Scotsman All-Carbon Fiber Scooter và Superstrata Bike bị dừng hoạt động và khóa không cho gọi vốn để xác minh các cáo buộc sản phẩm kém chất lượng từ người dùng.
Dự án xe đạp Superstrata đã đối mặt với hàng loạt phản hồi tiêu cực từ khách hàng.
Không ít khách cho rằng chất lượng xe không xứng đáng với giá tiền. Một số khách hàng cho biết xe liên tục gặp lỗi, hỏng, thậm chí có chiếc xe không thể lắp hoàn thiện ngay khi nhận về từ hãng. Trong khi đó, đội ngũ chăm sóc khách hàng được cho là không có những phản hồi, giải quyết thỏa đáng.