1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

VN-Index đạt mức kỷ lục từ 14 tháng qua?

Mặc dù số cổ phiếu rớt giá hoặc đứng giá nhiều hơn số cổ phiếu tăng giá nhưng chỉ số giao dịch ngày hôm qua (22/7) tăng hơn 7,05 điểm, mức tăng cao nhất từ đầu năm đến nay và đạt mức 253,59. Vậy có phải chỉ số VN-Index đã ghi thêm một kỷ lục mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong vòng 14 tháng qua?

Câu trả lời là không phải. Theo Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TPHCM, sự thay đổi "bất thường" của chỉ số VN-Index là do sự thay đổi số lượng giao dịch bổ sung của cổ phiếu GMD (Gemadept).

Hồi giữa tháng này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cho phép công ty chuyên về vận tải hàng hải này niêm yết bổ sung trên 2,8 triệu cổ phiếu loại trả chậm với tổng trị giá hơn 28 tỷ đồng và việc giao dịch này bắt đầu từ ngày hôm nay.

"Thông thường cổ phiếu niêm yết bổ sung sẽ được điều chỉnh giá để số lượng tăng thêm không làm thay đổi chỉ số giá chung của toàn thị trường, nhưng đối với GMD điều đó đã không được thực hiện vì vậy chỉ số VN-Index đã bị ảnh hưởng", ông Trầm Tuấn Vũ, Trưởng phòng Thành viên thuộc Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TPHCM cho biết.

Nói theo thuật ngữ chuyên môn của thị trường chứng khoán, chỉ số VN-Index ngày hôm nay chịu tác động bởi hai yếu tố: giá trị thị trường hiện tại và giá trị thị trường cơ sở. Có thể thấy rằng, giá trị thị trường hiện tại trong phiên 22/7/2005 bị tác động bởi số cổ phiếu tăng thêm, trong khi đó giá trị thị trường cơ sở không thay đổi. Vì vậy, chỉ số VNIndex đã tăng lên.

Ông Vũ cho biết khi cổ phiếu phát hành thêm, giá cổ phiếu đó phải được điều chỉnh giảm thì khi số lượng phát hành thêm sẽ không làm ảnh hưởng mà chỉ có cung cầu thị trường quyết định giá cả của cổ phiếu đó và của toàn thị trường.

Sở dĩ việc điều chỉnh giảm giá không được thực hiện như trước đây là vì, theo ông Vũ, tránh thiệt thòi cho các nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu GMD, một trong những cổ phiếu "đại gia" của thị trường chứng khoán chính thức Việt Nam.

"Trên thực tế sự bất thường của chỉ số ngày hôm nay không ảnh hưởng đến các nhà đầu tư giao dịch dựa trên giá của từng loại cổ phiếu, nhưng sẽ ảnh hưởng đến giao dịch dựa trên VN-Index", ông Vũ đánh giá. Ông cũng nói thêm rằng, các nhà đầu tư thường không chọn hình thức giao dịch dựa trên chỉ số thay vào đó họ thường chọn giá khớp lệnh của từng cổ phiếu.

Liệu biến động của VN-Index khi đạt 253,59 có còn tiếp diễn trong phiên giao dịch tới, được bắt đầu vào thứ hai tuần sau? Ông Vũ cho rằng sẽ không còn vì giá trị đã trở về trạng thái bình thường và việc tăng giảm hay thay đổi chỉ số sẽ do tác động của cung cầu cổ phiếu trên sàn.

Kỳ thực thì chỉ số VN-Index ngày hôm nay như thế nào? Ông Lý Điền Anh, Trưởng phòng Môi giới của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á, cho rằng thực tế chỉ số giảm, một mức giảm cũng như những phiên giao dịch trước. Chỉ số chứng khoán trong các phiên gần đây liên tục giảm.

Cụ thể ngày hôm nay chỉ có sáu cổ phiếu tăng giá trong số 30 cổ phiếu niêm yết trong khi đó 14 cổ phiếu giảm giá và 10 cổ phiếu còn lại thì đứng giá. Sáu cổ phiếu trong số 30 cổ phiếu niêm yết tăng giá hôm nay có thể kể đến DHA (Công ty Hóa An), DPC (Danaplast), LAF (Lafooco), MHC (Marina Ha Noi),  NKD (North Kinhdo) và SGH (Saigon Hotel). Mức tăng giá cao của những cổ phiếu này từ 100-1.500 đồng/cổ phiếu, giá tăng nhiều nhất thuộc về cổ phiếu DHA.

Trong khi đó những cổ phiếu giảm lại là những cổ phiếu "mạnh", tức những cổ phiếu có giá cao, kể cả cổ phiếu GMD khi chỉ được giao dịch ở mức 49.500 đồng/cổ phiếu so với phiên ngày hôm qua 50.000 đồng/cổ phiếu. Những cổ phiếu khác cũng có giá giảm bao gồm GIL, SFC, AGF, SAV, TRI, VTC...

Mức VN-Index cao nhất từ đầu năm nay là khoảng 250 điểm, phiên hôm kia (21/7) là 246,54 điểm, giảm 1,46 điểm so với phiên trước đó.

Theo VietNamnet