VN-Index "thủng" 1.200 điểm

Mai Chi

(Dân trí) - Bất chấp việc các chỉ số lao dốc mạnh ngay từ đầu phiên sáng nay nhưng dòng tiền giải cứu vẫn chưa xuất hiện, thanh khoản duy trì thấp. Phiên chiều, VN-Index "thủng" 1.200 điểm ngay đầu phiên.

Ngay đầu phiên chiều, các chỉ số đã rơi tự do dưới áp lực bán gia tăng mạnh và lan rộng. Số lượng mã giảm sàn tăng lên rất nhanh, chỉ trong 5 phút đầu tiên, HoSE đã ghi nhận 421 mã giảm giá, 17 mã giảm sàn; HNX có 145 mã giảm, 10 mã giảm sàn và UPCoM có 163 mã giảm,13 mã giảm sàn.

VN-Index thủng 1.200 điểm và sau 5 phút đầu phiên chiều ghi nhận mất hơn 42 điểm tương ứng 3,4%, giảm về sát 1.194 điểm; HNX-Index giảm tới 7,24 điểm tương ứng 3,13% và UPCoM-Index giảm 2,32 điểm tương ứng 2,48%.

VN-Index thủng 1.200 điểm - 1

Chứng khoán giảm sâu trong xu hướng chung của thị trường toàn cầu (Ảnh minh họa: Đăng Đức).

Trong khoảng 5 phút đầu, thanh khoản gia tăng. Giá trị giao dịch trên HoSE được đẩy lên khoảng 9.000 tỷ đồng trong khi trên HNX là hơn 560 tỷ đồng, trên UPCoM hơn 360 tỷ đồng.

Trước đó, trong phiên sáng, từ lúc mở cửa, các chỉ số đã đồng loạt giảm mạnh. VN-Index rơi thẳng xuống dưới ngưỡng 1.220 điểm và giằng co tại đây. Hàng trăm cổ phiếu giảm sâu. 

Trên nền thanh khoản yếu, các chỉ số đuối dần sau 11h. VN-Index tạm đóng cửa phiên sáng tại mức 1.212,22 điểm, ghi nhận mức thiệt hại tới 24,38 điểm tương ứng 1,97%. VN30-Index giảm rất mạnh, mất 25,86 điểm tương ứng 2,02%.

Trên sàn Hà Nội, HNX-Index cũng giảm 4,28 điểm tương ứng 1,85%; UPCoM-Index giảm 1,77 điểm tương ứng 1,89%. Thanh khoản vẫn không cải thiện, thậm chí có phần đuối hơn phiên trước, với 280,81 triệu cổ phiếu giao dịch trên HoSE tương ứng 6.599,14 tỷ đồng; 22,39 triệu cổ phiếu giao dịch trên HNX tương ứng 373,67 tỷ đồng và 20,38 triệu cổ phiếu trên UPCoM tương ứng 265,79 tỷ đồng.

Lượng cổ phiếu giảm sàn không nhiều, chỉ có một số mã nhỏ như RDP, HII, VNG, TMT và PNC. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng trong rổ VN30 lại giảm sâu, như SSI giảm 4,2%; TCB giảm 3,4%; HDB giảm 3,1%; CTG giảm 2,9%. Các mã lớn như GVR giảm 3,2%; BCM giảm 2,8%; HPG giảm 2,6%. Do vậy, chỉ số chung bị tác động tiêu cực.

Đáng chú ý là khối ngoại cũng bán ròng mạnh. Khối này bán tới 1.143,2 tỷ đồng cổ phiếu trên HoSE và chỉ mua vào với giá trị 661,9 tỷ đồng. Trên HNX, khối ngoại bán ra 26,5 tỷ đồng cổ phiếu và chỉ mua vào 9,4 tỷ đồng.

Tại thời điểm 11h, sàn HoSE có tới 363 mã giảm so với 53 mã tăng; HoSE có 115 mã giảm so với 36 mã tăng còn UPCoM có 101 mã giảm so với 97 mã tăng. Tuy vậy, số lượng giảm sàn không nhiều cho thấy lực bán ra chủ động nhưng không có sự hoảng loạn và bán tháo bằng mọi giá.

VN-Index về sát 1.216 điểm, giảm gần 21 điểm tương ứng 1,7%; HNX-Index giảm 3,3 điểm tương ứng hơn 1,4% và UPCoM-Index giảm 1,4 điểm tương ứng 1,5%.

Tuy vậy, thanh khoản thị trường lại rất thấp. Bên bán chấp nhận cắt lỗ giá thấp nhưng bên cầm tiền vẫn chưa sẵn sàng giải ngân.

Khối lượng giao dịch trên HoSE đến 11h mới chỉ đạt khoảng 196 triệu đơn vị, giá trị giao dịch chưa tới 4.600 tỷ đồng; HNX có hơn 17 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng gần 283 tỷ đồng và con số này trên UPCoM cũng khoảng 17 triệu đơn vị tương ứng giá trị giao dịch 225 tỷ đồng.

Hầu hết rổ VN30 đều mất giá, chỉ có MSN thỉnh thoảng "nhú xanh". Dù vậy, nỗ lực tại mã này không đủ để hỗ trợ thị trường giảm bớt thiệt hại. Các mã ngân hàng đang bị bán ra khá mạnh, nhiều mã giảm sâu như SSB giảm 4%; TCB giảm 3,4%; CTG giảm 2,7%; HDB giảm 2,5%... Các mã đầu ngành khác như FPT, VIC, HPG, SSI, VJC, GVR cũng chịu áp lực bán đáng kể.

Cổ phiếu chứng khoán có một số mã đạt trạng thái tăng như CTS, FTS và BSI nhưng thanh khoản tại những mã này khiêm tốn. VND giảm sâu 3%; TVS giảm 2,5%; "ông lớn" SSI giảm 2,4%; HCM giảm 2,2%.

Nhóm bất động sản tuy không có mã giảm sàn nhưng mức chiết khấu rất sâu. HTN thoát sàn, mất 6%; PDR giảm 4,7%; QCG giảm 4,4%; TDH giảm 4%; DIG giảm 3,8%. Tương tự cổ phiếu ngành xây dựng và vật liệu cũng chứng kiến mức giảm mạnh tại NHA, HVH, HBC, HHV, DPG, VGC.

Thị trường chứng khoán trong nước đang chịu ảnh hưởng của sự suy giảm chung trên thị trường tài chính toàn cầu. Làn sóng bán tháo cổ phiếu dữ dội khiến nhiều thị trường chao đảo.