1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cuộc nói chuyện cuối cùng và Vinashin thời “hậu ông Bình”

Nợ 86.000 tỉ đồng, có Công ty con tìm cách bỏ chạy khỏi con tàu mẹ Vinashin đang có nguy cơ bị đắm. 22.000 người hoặc bỏ việc hoặc mất việc. Một số nhà lãnh đạo Vinashin bị bắt. Vinashin sẽ về đâu?

Cuộc nói chuyện cuối cùng và Vinashin thời “hậu ông Bình”  - 1
Tàu Hoa Sen phải chở cả xe container vì không có khách. Ảnh: H.L.Q

Người dân nhìn Vinashin bằng nỗi bực bội, nếu không nói là giận dữ. Với nhiều tổ chức tài chính, họ từ chối cả một sự thương hại nóng hổi, để mặc những con tàu đóng dở dang phải nằm phơi nắng trên triền đà vì thiếu tiền. Đã có quan chức địa phương lên tiếng “xin lại” các mảnh đất từng cấp cho Vinashin làm dự án, nhưng còn bỏ hoang. Và các chủ tàu nước ngoài thì vẫn nghe ngóng.

Thế nhưng cuộc tái cơ cấu Vinashin đã khởi động, không để Vinashin rơi vào sự tuyệt vọng kinh tế. Bởi vì Vinashin vẫn còn đó những cơ sở vật chất rất đồ sộ, còn những người thợ có bàn tay vàng, còn những kỹ sư đã học được các bí quyết công nghệ đóng tàu hiện đại. Những con tàu “made by Vinashin” vẫn còn đang rẽ sóng các đại dương. Những gì Vinashin đã làm được trong quá khứ vẫn còn nguyên giá trị, kể cả bài học sai lầm của Phạm Thanh Bình.

Trước lúc ông Bình bị bắt ít hôm, ông có cuộc gặp với PV vài tờ báo. Ông tự hào rằng ông “cai trị” Vinashin bằng cái tâm. Ông dùng “nhân trị” thay cho “pháp trị” ở một nơi đầy hỗn tạp, lộn xộn, dở dang... thì làm sao chẳng sai lầm! Sai lầm của ông làm sụp đổ thần tượng ông trong lòng người Vinashin. Một số công thần “khai quốc” của ông bắt đầu rời xa ông.

Ông thổ lộ rằng: Gần đây ông là một người “tư duy cô đơn” ở phố Ngọc Khánh. Ông nghĩ nó là cái giá phải trả cho sự thành đạt. Bởi thế ông tự tìm chỗ trú ẩn trong nỗi cao ngạo và một quyết tâm mù quáng, thậm chí ông chẳng ngại ngần nói dối sống sượng khi báo cáo lên Chính phủ tình hình “sức khoẻ” của Vinashin.

Ông dị ứng với báo chí, họ tỏ ra chưa tin ông, mà ông thì luôn luôn nghĩ: Ông đúng! Ngay cả chuyện con trai ông - một thanh niên có học thức, thông minh, được ông bổ nhiệm làm Viện phó Viện KHCN tàu thuỷ. Ông nói: Nếu là người ngoài thì chẳng nên chuyện! Thì đương nhiên rồi! Chưa kể, con ông đã đủ tài để ngồi ghế cao chưa cũng là chuyện còn phải bàn.

Ông than phiền rằng: Tư duy của ông vượt quá xa các cộng sự của mình, nên ông “khó” khi lôi kéo cấp dưới – những cái đầu “bé” hơn ông (?)! (Sức cuốn hút của ông ngày xưa đâu?). Ông muốn gạt lỗi, thanh minh cho sự đổ vỡ từng mảng trong cái “vương quốc” ông đã mở rộng bừa bãi, không kiểm soát được. Hỏi ông bình luận gì về những lời trách móc Vinashin đã đầu tư lấn sân sang nhiều lĩnh vực không phải đóng tàu, ông ngộ nhận rằng người ta ghen tị với ông vì sợ ông làm những việc đó tốt hơn họ!

Thực ra ông có giỏi nghề hàng hải, hàng không, thì cũng chỉ như một người Châu Mỹ giỏi về tuồng cổ Trung Quốc mà thôi! Ví dụ, làng hàng hải giận ông nhất vì sự bốc đồng mà ông mua tàu Hoa Sen. Hoa Sen chỉ là một cái chết tinh thần thô thiển. Nó chết vì sự bốc đồng của một “trọc phú” được tiêu tiền chùa!

Sai lầm của ông đã được kết luận trong thông báo của UBKT T.Ư. Không biết ông có “chấm phẩy” gì không trong việc lập, phê duyệt, đấu thầu các dự án? Công an, Thanh tra Chính phủ chắc sẽ có câu trả lời. Nếu ông để cho đồng tiền lái cuộc đời mình (thành thực mong ông không phải như vậy), thì ông đã bị tha hóa đến tế bào rồi.

Kết luận của Bộ Chính trị có nhắc đến trách nhiệm của HĐQT Vinashin. Chính bản thân các sự kiện đã nhận diện họ: Họ chỉ là cái bóng của ông Phạm Thanh Bình. Tháng 11/2005, đồng chí Trần Đình Hoan - UV Bộ Chính trị - đã phát biểu trước Đại hội Đại biểu Đảng bộ của Vinashin. Đồng chí đặc biệt nhấn mạnh vấn đề kiểm tra, giám sát các hoạt động sử dụng 750 triệu USD từ trái phiếu CP. Để tiền vay bị vung phí, các đảng viên trong HĐQT đã không hoàn thành nhiệm vụ.

Về việc tái cơ cấu Vinashin, có lẽ Chính phủ cần mở hội thảo mời các chuyên gia đóng tàu, hàng hải... để cho họ cất tiếng nói tâm huyết góp phần giúp Vinashin có một đường hướng hoạt động khôn ngoan và có hiệu quả. Chẳng hạn như xác định rõ mục tiêu phát triển của Vinashin. Vinashin “bây giờ” chỉ đóng tàu! Nhưng đóng tàu gì là chính? Đóng những tàu lớn 100.000 tấn xuất khẩu hay Vinashin sẽ “hướng nội”: Đóng tàu vận tải, tàu cá cho các chủ tàu trong nước?

Nếu Vinashin xác định đóng tàu “ma mút” xuất khẩu vẫn là mục tiêu chiến lược, thì họ phải biết: Đóng tàu là một thị trường toàn cầu, nhất là khi thế giới "phẳng", ở đây cung luôn luôn lớn hơn cầu. Vinashin đã tuyên bố đến năm 2013 họ sẽ bắt đầu có lãi, 2015 – phát triển ổn định.

Những dự báo này xuất phát từ đâu? Có tham vấn các tổ chức nghiên cứu dự báo uy tín của thế giới như Lloyd, Drewry... hay không, hay lại là sự quyết tâm chủ quan của những người ngồi ở phố Ngọc Khánh? Liệu các hợp đồng đóng tàu lớn đó có mang lại những lợi nhuận khổng lồ hay không? Chưa có một công bố chính thức nào của Vinashin cho chúng ta biết điều đó, mặc dù những thông tin ấy không phải bí mật kinh doanh.

Một Vinashin “mới” không đa tạp, “tả pí lù” như Vinashin “cũ” chưa phải là điều đảm bảo tuyệt đối chắc chắn cho một Vinashin “có hiệu quả”. Nhưng nó là một nước đi hoàn toàn đúng đắn, là điều kiện “cần” cho một Vinashin có hiệu quả.

Điều kiện “đủ” là tài năng, bản lĩnh của những người thợ đóng tàu VN, lấy lại lòng tin đã bị sứt mẻ của các tổ chức tài chính, một vị “thuyền trưởng” có khả năng đưa Vinashin về “bến bờ mong đợi” và tất nhiên là quyết tâm duy trì một ngành công nghiệp đóng tàu VN khoẻ mạnh của Đảng và CP. Vinashin đã có lúc thấp hơn ngọn cỏ.

Họ không bao giờ muốn rơi trở lại điểm khởi đầu. Truyền thống cách mạng của những người thợ đóng tàu VN đã được chứng minh, khẳng định: Dù có “nóng nước”, họ cũng quyết không “đỏ gọng”.

Theo Hà Linh Quân
Báo Lao động