VinaPhone và MobiFone được đề nghị hợp nhất

(Dân trí) - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) đề nghị Chính phủ không cổ phần hóa MobiFone mà sẽ hợp nhất VinaPhone và MobiFone thành Tổng công ty thông tin di động (VNPT- Mobile).

Theo đề án tái cấu trúc Tập đoàn này vừa trình Bộ Thông tin và Truyền thông, VNPT gửi trình Chính phủ và Bộ Thông tin- Truyền thông, 5 năm qua, Công ty thông tin di động VMS - MobiFone đóng góp khoảng 40% doanh thu, trên 60% tổng lợi nhuận của tập đoàn. Do vậy, VNPT đề nghị Chính phủ không cổ phần hóa MobiFone để tạo điều kiện hoạt động của VNPT được ổn định, đủ nguồn lực cần thiết cho quá trình đổi mới, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, VNPT và người lao động.

Theo đề án mới, VNPT sẽ sáp nhập MobiFone – Vinaphone thành Tổng công ty thông tin di động (VNPT- Mobile). Tập đoàn này đề nghị, sau năm 2015 mới cổ phần toàn bộ VNPT cùng các công ty chủ lực.

Tháng 4/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông. Theo đó, một tổ chức, cá nhân đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong một doanh nghiệp viễn thông sẽ không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường dịch vụ.

Cũng vì thế, VNPT không được phép đồng sở hữu 100% hai mạng di động MobiFone và VinaPhone. Trước đó Bộ Thông tin và Truyền thông đã có yêu cầu VNPT phải sớm tiến hành cổ phần hóa MobiFone. Sau đó sẽ tiến hành cổ phần hóa VinaPhone. Tháng 6/2011, VNPT đã đề xuất 3 phương án là sáp nhập VinaPhone và MobiFone, cổ phần hóa một trong hai mạng di động trên hoặc cổ phần hóa toàn bộ VNPT.

VinaPhone và MobiFone được đề nghị hợp nhất

VNPT đề nghị hợp nhất  VinaPhone và MobiFone

 
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, phương án sáp nhập MobiFone và VinaPhone đang vướng Luật cạnh tranh và nằm trong nhóm các hành vi tập trung kinh tế bị cấm.
 
Theo ông Vũ Bá Phú, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh, tại điều 18 của Luật Cạnh tranh có quy định cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan. Trong khi đó, nếu VinaPhone và MobiFone tập trung lại sẽ có thị phần trên 50% nên sẽ vi phạm điều luật này. 
 
Vì vậy, ông Vũ Bá Phú cho rằng, nếu VNPT vẫn muốn được chấp thuận thì sẽ phải xin được miễn trừ đối với trường hợp này. Cụ thể, tại điều Điều 19 của Luật Cạnh tranh đưa ra 2 trường hợp miễn trừ đối với tập trung kinh tế bị cấm. Thứ nhất, sẽ được áp dụng đối với trường hợp một hoặc nhiều bên tham gia tập trung kinh tế đang trong nguy cơ bị giải thể hoặc lâm vào tình trạng phá sản. Thứ hai là việc tập trung kinh tế có tác dụng mở rộng xuất khẩu hoặc góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ.

Còn sách Trắng Công nghệ thông tin năm 2011 cho thấy: Viettel chiếm 36,72% thị phần; MobiFone chiếm 29,11%; VinaPhone chiếm 28,71% thị phần; các doanh nghiệp còn lại chỉ chiếm hơn 5% thị phần. Nếu sáp nhập MobiFone - Vinaphone, thị phần của công ty mới là gần 60%...

Cùng với phương án hợp nhất MobiFone và Vinaphone, trong đề án tái cấu trúc, VNPT đề còn đề nghị sẽ hợp nhất hai công ty trực thuộc là Viễn thông liên tỉnh (VTN) và Viễn thông quốc tế (VTI). Hai đơn vị khác trực thuộc VNPT là  Công ty Điện toán và Truyền số liệu VDC và  Công ty Phần mềm & Truyền thông VASC (VASC) cũng sẽ hợp nhất.

 Thanh Trầm