Vinamilk - cuộc chơi của những “ông lớn”
Cuộc bán đấu giá cổ phiếu Vinamilk vào ngày 29/11 sắp tới đây đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ai sẽ thắng trong cuộc đấu giá này khi các nhà đầu tư nước ngoài cho biết sẽ không “nhường sân”?
Một số quỹ đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp ngành thực phẩm cho biết sẽ tham gia đợt đấu giá cổ phiếu lần hai trị giá 150 tỉ đồng (tính theo mệnh giá), tương đương 9,4% vốn điều lệ, vào ngày 29/11, của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).
Đợt bán đấu giá lần thứ nhất cách đây chín tháng, các nhà đầu tư pháp nhân nước ngoài đã “độc diễn” khi mua tới 99,9% số cổ phiếu bán ra.
Số liệu Vinamilk:
- Doanh thu chín tháng đầu năm 2005: 4.550 tỉ đồng (doanh thu cả năm 2004 là 3.775 tỉ đồng). - Lợi nhuận trước thuế chín tháng đầu năm 2005: 470 tỉ đồng (lợi nhuận trước thuế cả năm ngoái là 461,5 tỉ đồng, năm 2003 là 822 tỉ đồng). - Doanh số xuất khẩu chín tháng đầu năm 2005: 83,3 triệu đô la Mỹ (kế hoạch 137 triệu Đôla Mỹ). - Cổ tức năm 2005 dự kiến 17%, đã tạm ứng đợt một 8%. Cổ tức năm 2004 là 15%. |
Theo Nghị định 144 về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu tối đa 30% vốn điều lệ của Vinamilk. Hiện nay tỷ lệ sở hữu cổ phiếu Vinamilk của nhà đầu tư nước ngoài xấp xỉ 20%. Như vậy họ có thể mua thêm 10%, bằng tỷ lệ cổ phiếu đấu giá.
Ưu thế khối lượng lớn và khả năng cổ phiếu Vinamilk sẽ niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam vào năm 2006, đồng thời có thể niêm yết trên thị trường Singapore như phát biểu của một số quan chức Bộ Tài chính, đã hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, ngành nghề kinh doanh của Vinamilk cũng thu hút họ. Cổ phiếu các doanh nghiệp ngành thực phẩm luôn có mặt trong danh mục đầu tư của các nhà đầu tư tài chính nước ngoài. Thực phẩm là hàng hóa tiêu dùng thiết yếu hàng ngày và có tốc độ tăng trưởng cao, ổn định đối với Việt Nam.
Tốc độ tăng trưởng của Vinamilk những năm qua khoảng 20-25%/năm. Ngoài ra, trong con mắt nhà đầu tư nước ngoài, hệ thống phân phối với 220 đại lý, 16 cửa hàng giới thiệu sản phẩm cùng 90.000 điểm bán lẻ trải rộng khắp cả nước và thị phần từ 30-80% tùy từng loại sản phẩm sữa của Vinamilk thực sự tạo uy tín cho cổ phiếu công ty.
Tuy nhiên, theo thông tin thu thập được, một số quỹ đầu tư nước ngoài đang có mặt ở Việt Nam sẽ cân nhắc kỹ lưỡng khi tham gia đợt đấu giá lần này.
Thứ nhất, một số quỹ đã nắm giữ tỷ lệ tương đối lớn cổ phiếu Vinamilk, trên 5%. Họ không thể bỏ quá nhiều tiền vào một loại chứng khoán khi mà trên thị trường hiện có hàng trăm cổ phiếu khá hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp khác.
Thứ hai, thời gian qua, họ thu gom cổ phiếu Vinamilk trên thị trường tự do với giá 300.000-400.000 đồng/cổ phiếu tùy thời điểm, thấp hơn giá khởi điểm đấu giá lần hai được ấn định 420.000 đồng/cổ phiếu. So với giá khởi điểm đấu giá lần đầu 220.000 đồng/cổ phiếu, giá khởi điểm lần hai đã tăng gần gấp đôi.
Một nhà đầu tư nước ngoài nhận định với mức giá này họ có thể tìm mua ở thị trường OTC những cổ phiếu khác có mức sinh lời cao hơn.
Có thể hình dung đối tượng tham gia đấu giá cổ phiếu Vinamilk, như vậy, sẽ là các pháp nhân dạng quỹ đầu tư nước ngoài chưa hoạt động ở Việt Nam, đối tác chiến lược trong và ngoài nước - những công ty đang cung cấp nguyên liệu cho Vinamilk, các đơn vị cùng ngành thực phẩm. Những doanh nghiệp ngành thực phẩm như Kinh Đô, Uni-President, F&N Dairy Investment, Jacca (một công ty có vốn của một lãnh đạo tập đoàn Bourbon, Pháp) đã từng tham gia đấu giá lần trước, biết đâu sẽ tham gia tiếp lần này?
Người được lợi nhiều nhất từ các cuộc đấu giá của Vinamilk là Nhà nước, mà cụ thể là Bộ Tài chính. Tính từ trước đến nay, ngân sách đã thu được từ việc cổ phần hóa Vinamilk hơn 1.100 tỉ đồng. Đợt bán đấu giá lần hai, nếu tính theo giá khởi điểm, ngân sách sẽ thu được ít nhất 630 tỉ đồng nữa.
Tổng cộng khoảng 1.730 tỉ đồng được nộp vào ngân sách, cao hơn số vốn Nhà nước đã đầu tư vào Vinamilk (bằng vốn điều lệ 1.590 tỉ đồng), trong khi Nhà nước vẫn nắm giữ 51% cổ phiếu, đủ sức chi phối công ty bất cứ lúc nào.
Về phía Vinamilk và các cổ đông, cổ phiếu Nhà nước được bán bớt với giá cao họ cũng có lợi: uy tín công ty tăng lên, lợi ích cổ đông nhiều hơn.
Cái lợi từ nhiều phía được nhân lên do thời điểm đấu giá cổ phiếu hiện nay đang có nhiều thuận lợi: giao dịch chứng khoán tăng mạnh cả về khối lượng và giá trị; mối quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đến thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đậm nét, rõ ràng hơn. Có lẽ vì vậy mà Bộ Tài chính đã quyết định cho Vinamilk bán bớt phần vốn nhà nước trước khi niêm yết thay vì sẽ bán qua sàn sau khi niêm yết.
Theo SgEconomy