1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vinamilk “bơm sữa” vào thị trường chứng khoán

Theo kế hoạch, cổ phiếu Vinamilk (mã chứng khoán: VNM) sẽ chính thức được niêm yết trên sàn giao dịch vào ngày 19/1 tới. Đây là cổ phiếu thứ 2 trong năm 2006 và là cổ phiếu thứ 34 niêm yết trên sàn giao dịch của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TPHCM.

Việc cổ phiếu VNM lên sàn sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo của thị trường chứng khoán (thị trường chứng khoán) và làm quy mô của thị trường tăng gấp đôi.

Phải thừa nhận rằng việc niêm yết của Vinamilk là sự kiện lớn, thu hút sự quan tâm của khá đông công chúng đầu tư. Sự quan tâm ở đây không chỉ bởi Vinamilk là công ty có vốn lớn, tên tuổi trên thị trường trong nước lẫn quốc tế mà Vinamilk còn là công ty làm ăn tốt, tốc độ tăng trưởng cao và ổn định. Chính vì thế mà cổ phiếu của Vinamilk được các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, “săn lùng” ráo riết.

Điều này được minh chứng qua các đợt đấu giá công khai cổ phần ra công chúng trong 2005 vừa qua với kết quả phần lớn số cổ phiếu (hơn 90%) đấu giá đều về tay các nhà đầu tư nước ngoài. Các cuộc đấu giá cổ phần của Vinamilk đã trở thành “hiện tượng” của thị trường và việc tham gia niêm yết sẽ tạo một sức bật đáng kể trên thị trường chứng khoán.

Một trong những sản phẩm làm nên thương hiệu của Vinamilk đó chính là các sản phẩm sữa và chế biến từ sữa. Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sức tiêu thụ sữa của Việt Nam trong năm 2005 tăng gấp 19 lần so với 1999, tổng lượng sữa tiêu thụ đạt khoảng 900.000 tấn.

Mục tiêu năm 2010, mức sữa tiêu dùng bình quân/đầu người/năm sẽ đạt 10 kg và tăng gấp đôi vào 2020. So với lượng sữa tiêu dùng thì sản xuất sữa nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng khoảng 15% - 18% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu nguyên liệu.

Như vậy, với tình hình tiêu thụ và sản xuất sữa nguyên liệu, ngành sữa Việt Nam còn rất nhiều cơ hội để phát triển. Tốc độ tăng trưởng ngành sữa Việt Nam dự đoán sẽ được duy trì ở mức 20%/ năm. Điều này hứa hẹn sự phát triển mạnh mẽ và ổn định của Vinamilk trong tương lai và là cơ hội tốt cho những nhà đầu tư đã, đang và sẽ tham gia đầu tư vào Vinamilk.

Không chỉ là công ty đứng đầu Topten “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, Vinamilk còn là thương hiệu số 1 trong ngành thực phẩm tại Việt Nam với tốc độ tăng trưởng 20 - 25%/năm.

Theo bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc của Vinamilk, thay vì cạnh tranh đối đầu, Vinamilk chủ động liên doanh với các đối tác nước ngoài để tận dụng những thế mạnh của họ về hệ thống phân phối quốc tế, kinh nghiệm quản lý, chiến lược marketing toàn cầu...

Cụ thể, năm 2005 vừa qua, Vinamilk đã liên doanh với tập đoàn sữa hàng đầu châu Âu - tập đoàn Campina (Hà Lan). Hiện, sản phẩm của liên doanh này: Cà phê Moon đã được xuất khẩu sang Mỹ, Thái Lan.

Và mới đây nhất, Vinamilk đã liên doanh với tập đoàn SAB Miller - tập đoàn sản xuất bia lớn thứ 2 của Mỹ - để xây dựng nhà máy sản xuất bia tại Bình Dương. Nhà máy này có tổng vốn đầu tư ban đầu là 45 triệu USD, Vinamilk và SAB Miller mỗi bên góp 50% vốn.

Đây là thông tin khá quan trọng được Vinamilk xác nhận vào thời điểm trước khi niêm yết. Thông tin này sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu VNM, đẩy giá VNM tăng cao trong ngày niêm yết cũng như trong thời gian tới.

Được biết, tập đoàn sữa hàng đầu Singapore, tập đoàn F&N, hiện cũng đang nắm giữ một lượng cổ phần khá lớn của Vinamilk (chiếm 11,11% vốn điều lệ). Điều này một lần nữa được bà Liên khẳng định rằng việc Vinamilk muốn “mở cửa” liên doanh với các đối thủ và đưa họ trở thành những đối tác thân thiết của công ty.

Công ty Vinamilk đang chọn cho mình một con đường đi đúng đắn, tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu thị trường của mình ở thị trường trong nước và đưa tên tuổi của mình vang xa trên thị trường quốc tế.

Theo Tú Uyên
VnEconomy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm