Vinalines tính đường "tháo chạy" khỏi các công ty con thua lỗ trước thềm IPO

(Dân trí) - Chủ tịch HĐTV Vinalines Lê Anh Sơn cho biết, Vinalines sẽ thoái vốn hết những doanh nghiệp hoạt động thua lỗ, chỉ giữ lại những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

Vinalines dự định sẽ thoái vốn hết những doanh nghiệp hoạt động thua lỗ.
Vinalines dự định sẽ thoái vốn hết những doanh nghiệp hoạt động thua lỗ.

Chia sẻ tại hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng của Công ty mẹ - Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) chiều qua (20/8), ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Quyền Tổng Giám đốc Vinalines cho biết, dự kiến sẽ có 6, 7 công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực vận tải biển cũng sẽ được Vinalines thoái vốn. Trong đó, Công ty TNHH cảng container quốc tế Cái Lân (CICT) cũng nằm trong diện này.

Còn theo Chủ tịch HĐTV Vinalines Lê Anh Sơn, một số công ty như Công ty CP Vận tải biển Việt Nam, Công ty CP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam, Công ty CP Đầu tư Cảng Cái Lân, Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông với những nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục do lỗ lũy kế vượt quá vốn chủ sở hữu và nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn, Vinalines sẽ sớm có kế hoạch thoái vốn trong thời gian tới.

“Chúng tôi đã nhận được sự đồng thuận của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải trong việc triển khai thoái vốn. Ngay trong quý này và các giai đoạn sau của quá trình cổ phần hóa Vinalines sẽ tích cực thoái vốn", ông Sơn nói.

Chủ tịch Vinalines cũng khẳng định: "Những doanh nghiệp mang tới kết quả thua lỗ trên BCTC, chúng tôi sẽ thoái vốn hết. Chỉ giữ lại những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đem lại lợi ích trong hoạt động chuỗi của chúng tôi".

Theo lãnh đạo Vinalines, một số công ty bị đánh giá hoạt động không liên tục như Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông, âm vốn chủ sở hữu tới 4.000 tỷ đồng, lỗ trung bình mỗi năm 500 tỷ đồng.

"Đây là doanh nghiệp từ Vinashin bàn giao sang, chúng tôi đã tái cơ cấu nhưng khoản nợ đối với các tổ chức tín dụng quá lớn. Chúng tôi sẽ sớm có giải pháp xử lý nợ với các tổ chức tín dụng. Công ty này do Vinalines sở hữu 100% vốn, là mắt xích cuối cùng trong quá trình tái cơ cấu hoạt động vận tải biển", ông nói.

Cũng theo lãnh đạo Vinalines, đối với các doanh nghiệp hoạt động thua lỗ khác, trong đó có công ty đã niêm yết trên sàn, Vinalines sẽ thoái hết vốn. "Về cơ bản sau khi tinh gọn tài sản, thoái vốn ở các doanh nghiệp vận tải biển, hoạt động của Vinalines sẽ có lãi trong báo cáo hợp nhất”, ông nói.

Theo kế hoạch, ngày 5/9 tới đây, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) sẽ hành phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với 488.818.130 cổ phần chào bán (tương ứng với 34,8% vốn điều lệ của công ty mẹ) cho các tổ chức và cá nhân trong nước đủ điều kiện theo Quy chế Bán đấu giá cổ phần do Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Giá khởi điểm chào bán cổ phần lần đầu là 10.000 đồng/cổ phần.

Hoạt động trong lĩnh vực vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải, Vinalines sở hữu đội tàu lên tới 84 chiếc, tổng trọng tải 1,8 triệu DDWWT, chiếm trọng tải tương đương 25% đội tàu của Việt Nam. Đội tàu được đầu tư vào giai đoạn đỉnh cao của thị trường vận tải biển (2007-2008).

Song kết quả kinh doanh của Vinalines lại hết sức "bết bát" khi Tổng công ty này liên tục lỗ từ năm 2008 đến nay. Năm 2017, riêng ngành lõi của Vinalines lỗ 624 tỷ đồng, các năm trước như 2014, 2015 lỗ hơn 3.000 tỷ đồng.

Phương Dung

Vinalines tính đường "tháo chạy" khỏi các công ty con thua lỗ trước thềm IPO - 2