Vinalines lại thua lỗ nặng, “gánh” lỗ luỹ kế “khủng” vượt 3.600 tỷ đồng

(Dân trí) - Tiếp tục bán tàu và xử lý các tài sản hoạt động không hiệu quả, song trong quý II/2019, Vinalines thua lỗ nặng tới 496 tỷ đồng và nâng lỗ luỹ kế đến 30/6/2019 lên gần 3.641 tỷ đồng.

Vinalines lại thua lỗ nặng, “gánh” lỗ luỹ kế “khủng” vượt 3.600 tỷ đồng - 1

Vinalines bán tàu nhưng thu về không được bao nhiêu

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines - mã MVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019 cho thấy tình hình kinh doanh tiếp tục diễn biến không mấy khả quan của “ông lớn” này.

Theo đó, trong quý II/2019, doanh thu hợp nhất của Vinalines ghi nhận đạt hơn 5.562 tỷ đồng, giảm hơn 9% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải giảm hơn 24% còn gần 2.971 tỷ đồng, người lại, doanh thu khai thác cảng và dịch vụ cảng biển lại tăng hơn 15% lên gần 2.284 tỷ đồng.

Giá vốn hàng bán vẫn chiếm tỷ trọng lớn so với doanh thu song giảm mạnh so với cùng kỳ nên lợi nhuận gộp trong quý II năm nay của Vinalines đạt 768 tỷ đồng, tăng gần 6% so với cùng kỳ.

Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ giảm gần 32% so với cùng kỳ, đạt chưa tới 130 tỷ đồng do ghi nhận các khoản cổ tức được chia theo thông báo ít hơn cùng kỳ năm trước, nhưng chi phí tài chính cũng giảm đáng kể 21%, ghi nhận ở mức gần 348 tỷ đồng, chủ yếu nhờ Vinalines đã thu hẹp chi phí lãi vay. Lỗ từ công ty liên kết, liên doanh tăng nhẹ lên 30,5 tỷ đồng.

Đáng nói là chi phí quản lý doanh nghiệp tại Vinalines vẫn rất lớn. Trong khi chi phí bán hàng tăng đáng kể nhưng số tuyệt đối chỉ hơn 49 tỷ đồng thì chi phí quản lý doanh nghiệp vẫn ở mức gần 384 tỷ đồng dù đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, trong khi thu nhập từ thanh lý tài sản cố định chỉ ở mức hơn 66 tỷ đồng thì Vinalines phải chi phí tới 442 tỷ đồng cho công tác này, tăng gấp 10 lần so với số chi cùng kỳ.

Chi phí khác của Vinalines trong quý 2 theo đó lên tới gần 456 tỷ đồng, gấp gần 7,5 lần cùng kỳ.

Trong báo cáo giải trình, Vinalines cho biết, chi phí khác tăng là do thực hiện thanh lý tài sản (bán tàu) và tiếp tục xử lý các tài sản hoạt động không hiệu quả theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến số lỗ sau thuế gần 424 tỷ đồng của tổng công ty này trong quý 2 vừa qua, lỗ ròng thuộc về công ty mẹ lên tới gần 496 tỷ đồng. Điều này kéo theo lỗ luỹ kế của Vinalines đến 30/6/2019 bị đẩy lên gần 3.641 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối tháng 6/2019, Vinalines có tổng cộng gần 26.041 tỷ đồng tổng tài sản và 17.293 tỷ đồng nợ phải trả.

Mặc dù tái cơ cấu mạnh mẽ, song Vinalines hiện vẫn đang có 20 công ty con và 27 công ty liên doanh, liên kết.

Cổ phiếu MVN của Vinalines trên thị trường chứng khoán gần như không có giao dịch, mức giá duy trì tại 14.500 đồng trong suốt nhiều phiên liên tiếp vừa qua.

Mai Chi