1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vinalines bán tàu “rẻ như bèo”: Không có gì là hời hay hớ!

(Dân trí) - Việc bán tàu biển của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt đồng ý. Giải thích về giá bán tàu rẻ như “bèo”, lãnh đạo Bộ này cho biết, phải bán để “vớt vát được đồng nào hay đồng đó, và ở đây không có gì là hời hay hớ”!

Trả lời PV Dân trí về tiến trình bán gấp 6 con tàu "vang bóng một thời" của Vinalines, ông Lê Anh Sơn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinalines cho hay: “Việc mua-bán tàu biển là chuyện bình thường trong hoạt động hàng hải, những con tàu Vinalines bán là những con tàu đã già, có tuổi thọ hơn 20 năm và khai thác không hiệu quả. Trong tình hình hiện nay là cước thấp nên chúng tôi xin bán tàu”.

Chủ tịch Vinalines khẳng định, sau khi có được chủ trương của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thì Vinalines đã thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước, tiến hành các thủ tục công khai.

Những con tàu khủng của Vinalines được rao bán với giá... bèo bọt!
Những con tàu "khủng" của Vinalines được rao bán với giá... "bèo bọt"!

Sáu con tàu trong danh sách bán gấp của Vinaline là Vinalines Global, Vinalines Trader, Vinalines Fortuna, Vinalines Star, Vinalines Ocean, Vinalines Ruby. Lý do bán tàu là để cắt lỗ. Đây là những con tàu được đóng vào những năm 90 và có tuổi thọ trên dưới 20 năm, riêng tàu Vinalines Ruby được đóng vào năm 2012.

Đáng nói, giá chào bán tàu khiến nhiều người phải giật mình, cụ thể: Tàu Vinalines Fortuna đóng năm 1991 được Vinalines mua hơn 341 tỷ đồng, nay dự kiến bán hơn 34,8 tỷ đồng. Tàu Vinalines Star đóng năm 1993 được mua với giá gần 378 tỷ đồng, nay giá bán thanh lý dự kiến là 34,4 tỷ đồng. Tàu Vinalines Ocean có giá mua vào là hơn 376 tỷ đồng và mức bán thanh lý dự kiến chỉ là 34,4 tỷ đồng…

Nói về cơ sở tính giá bán tàu, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, nguyên tắc bán tài sản là phải thông qua đấu giá. Giá đấu là do Hội đồng thẩm định giá của Bộ Tài chính, mời chuyên gia trong và ngoài nước tham gia đưa ra giá bán.

“Trong quá trình đấu giá, ai trả giá cao hơn thì bán, nếu giá thấp hơn thì dừng đấu giá và mời cơ quan thẩm định giá đấu giá lại, còn không ai mua thì lại xin hạ giá. Phải có quy trình rất chặt chẽ, ở đây không có gì là hời hay hớ” - Thứ trưởng Trường nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng thông tin thêm, khi mua tàu, các công ty con phải dùng vốn tự có và vốn vay ngân hàng để mua tàu. Trong quá trình vận tải, giá cước giảm liên tục nên hầu hết các con tàu này không hoạt động được, khi không hoạt động thì phải bỏ tiền ra chi phí để duy trì, ngân hàng cũng mong muốn được thu hồi vốn, vì thế Bộ GTVT cho phép Vinalines được bán những con tàu quá đát không có khả năng khai thác.

“Trong 5 năm gần đây, cước vận tải giảm liên tục. 1 tấn hàng/100 USD chỉ còn vài đô. Các tàu này hầu hết không hoạt động. Nghịch lý là khi hạch toán sổ sách tính khấu hao thì những con tàu này bị giảm giá rất lớn. Ví dụ như khi mua tàu là 10 triệu, giá khấu hao còn 8 triệu, giá bán trên thị trường chỉ còn 3 triệu. Nếu bán tàu theo giá thị trường thì còn thu được số tiền 3 triệu, nếu để đó 1 năm nữa thì chỉ còn 1 triệu và nếu không bán thì còn không được gì. Vì thế, Thủ tướng đồng ý cho bán để giảm lỗ cho ngân hàng, giao các đơn vị xem xét tàu nào bán được thì bán để giảm lỗ” - Thứ trưởng Trường cho biết thêm.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm