Vietnam Airlines thua kiện 5,2 triệu euro: Ai chịu trách nhiệm?

Rất ít người được biết đến phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ kiện giữa nguyên đơn là ông Maurizio Liberati và bị đơn là Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã diễn ra hôm 9/3/2006 vừa qua với phần thắng đòi bồi thường 5,2 triệu euro vẫn thuộc về luật sư người Ý.

Nội dung phán quyết của tòa phúc thẩm đã khẳng định bản án của tòa án Rome (Ý) sẽ có hiệu lực. Với phán quyết này, Vietnam Airlines - ở vị trí thua kiện - sẽ phải trả một khoản tiền lên tới 5,2 triệu euro, (gần 107 tỉ đồng VN) chưa kể tới số tiền khoảng 10.000 euro phí luật sư.

Sau phiên xử này, tòa án đã yêu cầu Vietnam Airlines nộp số tiền trên vào một tài khoản phong tỏa tại Ý, nơi phát sinh vụ kiện. Nếu không chấp hành, tòa án sẽ cho phong tỏa toàn bộ tài sản của Vietnam Airlines tại các nước thuộc EU và thực hiện hàng loạt biện pháp pháp lý để xóa bỏ cơ quan đại diện của Vietnam Airlines tại Pháp.

Trước tình thế bắt buộc, Vietnam Airlines đã phải chuyển trả toàn bộ số tiền hơn 5 triệu euro theo phán quyết.

Từ những nhận định không chuẩn xác

Tính đến nay, vụ kiện trải qua đúng 10 năm. Cùng với thời gian và sự thiếu trách nhiệm của một số cán bộ lãnh đạo Vietnam Airlines, số tiền đòi bồi thường ban đầu từ 573.910.000 lia (90.000 USD), đến sau phiên tòa sơ thẩm là 1,3 triệu euro, thì tới nay tăng hơn bốn lần, chưa kể những chi phí phát sinh để theo kiện.

Lật lại hồ sơ vụ kiện tại thời điểm án sơ thẩm có hiệu lực, Vietnam Airlines đã cử một đoàn công tác sang Ý tìm cách giải quyết, tìm các đầu mối nhờ giúp đỡ. Tuy nhiên khi về nước, sau khi nghe đoàn báo cáo, tổng giám đốc Vietnam Airlines Nguyễn Xuân Hiển đã có một nhận định không chuẩn xác, thậm chí là sai lầm.

Trong văn bản do tổng giám đốc Nguyễn Xuân Hiển ký ngày 6/9/2002 gửi HĐQT Vietnam Airlines, ông Hiển dẫn ý kiến các luật sư Ý tham vấn cho rằng “khả năng thi hành án ở VN là rất khó xảy ra, ngay cả việc thi hành án ở Ý cũng khó vì Vietnam Airlines không có tài sản ở nước này”.

Chưa hết, cũng theo ông Hiển, sở dĩ việc thi hành bản án bị chậm do nguyên đơn chưa cung cấp đủ một số thông tin cá nhân, chưa đóng án phí và thuế theo qui định. Điều này, theo ông nhận định, có thể do nguyên đơn “không đủ tiền để nộp, vì đây là số tiền không nhỏ, ước tính trên dưới 1 triệu USD”.

Từ những phân tích này, ông Hiển đề xuất Vietnam Airlines “nếu trả tiền rồi, sau này phát hiện ra hoặc lật ngược được tình thế thì cũng không thể... đòi lại số tiền đã trả với bất cứ lý do nào, vì vậy trước mắt chưa nên trả bất cứ khoản tiền nào cho đến khi biết chắc rằng không có cách nào thay đổi được quyết định đã biết”.

Mất 107 tỉ đồng, ai chịu trách nhiệm?

Vụ kiện xảy ra năm 1994, tuy nhiên Vietnam Airlines nói rằng tới 2002 mới biết có vụ kiện này và khi đó thì những phán quyết tòa án đưa ra đã “không thể đảo ngược”.

Sự việc nghiêm trọng như vậy nhưng tới ngày 9/6/2004, khi thật sự bối rối trước khả năng giải quyết “êm xuôi” vụ việc, Vietnam Airlines mới có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vụ kiện này.

Tuy nhiên, việc báo cáo trên là quá muộn mằn. Trước đó, Ủy ban đòi nợ và tịch biên Cộng hòa Pháp đã ra thông báo phong tỏa số tiền 1,3 triệu euro tại một tài khoản của Vietnam Airlines ở Pháp để đảm bảo thanh toán cho nguyên đơn Maurizio Liberati.

Tới ngày 28/5/2004, Vietnam Airlines tiếp tục ngỡ ngàng khi nhận được quyết định của tòa án sơ thẩm Paris bác đề nghị của Vietnam Airlines (với nội dung yêu cầu hủy bỏ việc tịch biên số tiền trong tài khoản tại Pháp).

Như vậy, với con số thiệt hại ước tính khoảng 107 tỉ đồng sau khi đã nhận hàng loạt cảnh báo của tòa án nước ngoài về áp dụng “biện pháp mạnh” thì Vietnam Airlines mới chịu báo cáo sự việc lên Thủ tướng Chính phủ.

Điều đáng ngạc nhiên là cho tới thời điểm này dù sự việc đã rõ, chưa có bất cứ một cá nhân lãnh đạo nào của Vietnam Airlines phải chịu trách nhiệm về những tổn thất rất lớn trên.

Diễn biến vụ kiện

- Năm 1991, Vietnam Airlines thuê Công ty Falcomar (Ý) làm đại lý tại Ý. Công ty này thuê ông Maurizio Liberati thực hiện một số công việc cho Falcomar với tư cách đại diện cho Vietnam Airlines.

- Ngày 1/11/1994, đại sứ quán Ý tại VN chuyển cho Vietnam Airlines giấy triệu tập đến phiên xử tại Tòa án Rome vào 30/11/1995, trong đó cho biết ông Liberati kiện yêu cầu Vietnam Airlines và Falcomar thanh toán chi phí cho những công việc ông ta đã thực hiện.

- Ngày 30/11/1995, Vietnam Airlines không cử người dự phiên tòa.

- Ngày 7/3/2000, Tòa án Rome ra phán quyết số 8395 buộc Vietnam Airlines bồi thường cho ông Liberati hơn 4,8 tỉ lia, đồng thời thanh toán 58,5 triệu lia chi phí luật sư.

- Ngày 2/5/2002, Văn phòng tư vấn pháp lý Liberati và D’Amore tại Rome gửi giấy yêu cầu Vietnam Airlines hoàn trả hơn 1,3 triệu euro.

- Ngày 18/2/2004, Ủy ban đòi nợ và tịch biên Cộng hòa Pháp gửi thông báo cho Vietnam Airlines về việc phong tỏa số tiền hơn 1,3 triệu euro tại tài khoản thu bán đại lý của Vietnam Airlines để thanh toán cho ông Liberati.

- Ngày 28/5/2004, Tòa sơ thẩm Paris bác đề nghị của Vietnam Airlines về việc yêu cầu hủy bỏ tịch biên số tiền trong tài khoản của Vietnam Airlines tại Pháp.

- Ngày 9/6/2004, Vietnam Airlines báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vụ kiện.

- Ngày 9/3/2006, Tòa phúc thẩm ra phán quyết khẳng định lại phán quyết của tòa sơ thẩm Rome. Vietnam Airlines thua kiện, phải trả 5,2 triệu euro và 10.000 euro chi phí luật sư do thua kiện.

- Tháng 4/2006, tòa án yêu cầu Vietnam Airlines chuyển trả tiền vào tài khoản phong tỏa tại Ý, nếu không sẽ áp dụng các biện pháp pháp lý đối với tài sản của Vietnam Airlines tại EU và Pháp.

Theo Nhóm PV
Báo Tuổi trẻ

Dòng sự kiện: Thanh tra Vietnam Airlines