Vietnam Airlines được tăng vốn lên 22.000 tỷ đồng

Phương Liên

(Dân trí) - Quốc hội đồng ý cho Vietnam Airlines tăng vốn thêm tối đa 22.000 tỷ đồng qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Tại Nghị quyết chất vấn kỳ họp thứ 8 được thông qua chiều 30/11, Quốc hội đã đồng ý với các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ Covid-19 để Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) sớm phục hồi và phát triển bền vững.

Theo đó, Vietnam Airlines được chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ với quy mô tối đa 22.000 tỷ đồng khi đáp ứng các quy định của Luật Chứng khoán.

Giai đoạn 1, Quốc hội cho phép Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines. Giao dịch thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua khi thực hiện phương án tăng vốn điều lệ giai đoạn 1 với quy mô phát hành 9.000 tỷ đồng.

Giai đoạn 2, chấp thuận về chủ trương, giao Chính phủ chỉ đạo thực hiện phương án, trong đó bao gồm phương án Nhà nước chuyển giao quyền mua cổ phần cho doanh nghiệp, với quy mô phát hành tối đa 13.000 tỷ đồng. Trường hợp phát sinh vướng mắc thì tiếp tục báo cáo cấp có thẩm quyền.

Vietnam Airlines được tăng vốn lên 22.000 tỷ đồng - 1

Vietnam Airlines tiếp tục được Quốc hội gỡ khó (Ảnh: Vietnam Airlines)

Quốc hội cũng cho phép Công ty cổ phần Hàng không Pacific Airlines, công ty con của Vietnam Airlines, được xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp tính trên các khoản nợ thuế phát sinh theo quyết định của cơ quan thuế có thẩm quyền, còn nợ đến ngày 31/12. Pacific Airlines có trách nhiệm nộp toàn bộ số tiền thuế còn nợ trước ngày 31/12.

Sau thời hạn trên, cơ quan thuế tính tiền chậm nộp, đôn đốc và áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo đúng quy định.

Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm xem xét, bố trí kế hoạch kiểm toán 2024 - 2025 báo cáo tài chính và các hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản của nhà nước tại Vietnam Airlines.

Đồng thời, cơ quan này cần kịp thời có kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền và Vietnam Airlines nhằm tránh thất thoát, lãng phí nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cũng như góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của hãng hàng không quốc gia.

Trước đó, tại kỳ họp tháng 6, Quốc hội đã cho phép Vietnam Airlines được gia hạn trả nợ với khoản vay tái cấp vốn.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tự động gia hạn thêm 3 lần khi đến hạn trả nợ với khoản vay 4.000 tỷ đồng của hãng hàng không quốc gia để khắc phục khó khăn trước mắt.

Thời gian gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu, tổng thời gian các lần gia hạn tái cấp vốn tối đa 5 năm (gồm 2 lần đã được gia hạn theo Nghị quyết 135 của Quốc hội).

Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các cơ quan liên quan và Vietnam Airlines xây dựng chiến lược phát triển toàn diện; khẩn trương hoàn thiện Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines để sớm phục hồi và phát triển bền vững.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần đẩy nhanh cơ cấu lại toàn diện Vietnam Airlines, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong thực hiện cam kết trước Quốc hội về hiệu quả của việc triển khai giải pháp về cho vay tái cấp vốn. Các cơ quan tăng cường kiểm tra, kiểm toán, giám sát để thực hiện giải pháp này bảo đảm đúng quy định.