Vietlott nộp ngân sách các địa phương 1.200 tỷ đồng, tăng gần 10% so với 2017

(Dân trí) - Năm 2018, Vietlott mở rộng thêm 15 thị trường, ghi nhận doanh thu trước thuế gần 3.800 tỷ đồng. Giá trị đóng góp ngân sách các địa phương đạt gần 1.200 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 10% so với năm 2017.

Kinh doanh có lãi, nộp ngân sách các địa phương tăng gần 10%

Báo cáo vừa công bố từ Công ty Xổ số điện toán Vietlott cho biết, năm 2018, doanh thu Vietlott duy trì ổn định đạt gần 3.800 tỷ đồng (bao gồm cả thuế). Doanh thu Vietlott 2018 của Vietlott đến từ sản phẩm chính là Mega 6/45 và Power 6/55. Hai sản phẩm này với tính chất giá trị giải Jackpot lớn nên doanh thu phụ thuộc nhiều vào giải thưởng Jackpot.

Theo thống kê năm 2017 không có ai trúng thưởng Jackpot 1 Power 6/55 nhưng con số này năm 2018 là 8 người. Việc liên tục có người trúng Jackpot đã khiến giá trị tích lũy thấp hơn và phần nào ảnh hưởng đến doanh thu của Vietlott. Đây cũng là vấn đề chung đối với các công ty xổ số trên thế giới với các sản phẩm tương tự.

Vietlott nộp ngân sách các địa phương 1.200 tỷ đồng, tăng gần 10% so với 2017 - 1
Ông nguyễn thanh đạm - tổng giám đốc vietlott nhận giấy chứng nhận Chơi có trách nhiệm cấp độ 2 của Hiệp hội xổ số thế giới (Wla) tại Hội thảo thường niên APLA 2019 tại Đà Nẵng

Sau khi xác định doanh thu, Vietlott có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước gồm các khoản thuế giá trị gia tăng (thuế suất 10%), thuế tiêu thụ đặc biệt (thuế suất 15%), thuế thu nhập cá nhân đối với hoa hồng đại lý và người trúng thưởng (thuế suất 10% phần vượt 10 triệu đồng), thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế suất 20%) sẽ được phân bổ về ngân sách địa phương theo tỷ lệ doanh thu thực tế phát sinh trên từng địa bàn.

Sau khi trích lập các quỹ của doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015, Vietlott tiếp tục phân bổ lợi nhuận còn lại cho ngân sách địa phương theo tỷ lệ doanh thu thực tế phát sinh trên địa bàn. Phần vé trúng thưởng không có người nhận sẽ được ghi nhận vào thu nhập khác của Công ty và sau khi trích lập các quỹ theo quy định nhà nước sẽ được phân bổ vào ngân sách các địa phương.

Theo báo cáo tài chính, chỉ riêng năm 2018, Vietlott đã nộp về gần 1.200 tỷ đồng cho ngân sách các tỉnh/thành phố, tăng gần 10% so với năm 2017. Số tiền này được đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở trong lĩnh vực y tế, giáo dục và công trình phúc lợi xã hội. 

Triển khai kinh doanh xổ số với hướng tiếp cận mới

Là công ty ra đời sau, Vietlott có những cách tiếp cận riêng để triển khai kinh doanh xổ số, nổi bật là việc ứng dụng công nghệ để bán vé. Hiện công ty đang trong giai đoạn mở rộng kênh phân phối và phát triển thị trường. Ngoài ra, mới đây, công ty này cũng vừa hợp tác với chuỗi bán lẻ Vinmart+ để kinh doanh xổ số tại các cửa hàng tiện lợi – một mô hình rất phổ biến ở các nước trên thế giới. Mô hình này đã được triển khai tại Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Đà Nẵng và tiếp đến ở Cần Thơ, Bà Rịa Vũng Tàu ....

Vietlott nộp ngân sách các địa phương 1.200 tỷ đồng, tăng gần 10% so với 2017 - 2
Khai trương hệ thống kinh doanh sản phẩm của Vietlott tại chuỗi cửa hàng tiện lợi Vinmart+.

Vietlott cũng đang từng bước đa dạng hóa sản phẩm, song song với các sản phẩm có giá trị giải Jackpot được tích lũy, sản phẩm Max 4D cũng được bổ sung thêm 3 cách chơi mới (Bao, Cuộn và Tổ hợp). Đầu năm 2019, Vietlott ra mắt sản phẩm mới – xổ số tự chọn Max 3D.

Song song với việc mở rộng kênh phân phối và phát triển các sản phẩm, Chơi có trách nhiệm cũng là một tiêu chuẩn mà Vietlott đang theo đuổi. Theo ông Nguyễn Thanh Đạm – Tổng Giám đốc Vietlott hoạt động chơi có trách nhiệm, không chỉ bao gồm các hoạt động trách nhiệm của Vietlott đối với xã hội hay trách nhiệm của Vietlott đối với người chơi, mà còn hướng người chơi có trách nhiệm với bản thân và gia đình trong việc tham gia các trò chơi giải trí có thưởng; đồng thời khuyến cáo người chơi kiểm soát thu nhập, tham gia phù hợp với năng lực tài chính của mình. Vào tháng 12/2018, Vietlott vừa đạt chứng nhận cấp 2 về chơi có trách nhiệm của Hiệp hội xổ số thế giới WLA.