Việt Nam vay 450 triệu USD cải thiện điều kiện sống tại TPHCM

(Dân trí) - Ngày 12/3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đã ký các thoả thuận cho vay và tín dụng ưu đãi với tổng trị giá 450 triệu USD nhằm giúp Việt Nam cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường tại TPHCM.

Tình trạng ngập lụt, triều cường thường xuyên xảy ra tại TPHCM (ảnh minh họa).
Tình trạng ngập lụt, triều cường thường xuyên xảy ra tại TPHCM (ảnh minh họa).

Theo đó, số tiền này sẽ được dành cho Dự án Vệ sinh môi trường TPHCM giai đoạn 2, nhằm giúp cải thiện môi trường và điều kiện sống thông qua các hoạt động như xử lý nước thải, tăng cường năng lực quản lý dịch vụ nước thải và vệ sinh môi trường, và nâng cao nhận thức về ích lợi vệ sinh môi trường.

Dự án là một phần của mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Ngân hàng Thế giới và TPHCM nhằm hỗ trợ thành phố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển đô thị, trong đó có quản lý lũ lụt và cải thiện dịch vụ đô thị. BàVictoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho hay: “Vệ sinh môi trường được cải thiện thông qua dự án này sẽ đem lại chất lượng cuộc sống cao hơn cho khoảng 1,3 triệu dân sống tại đây”.

Dự án bao gồm một nhà máy xử lý nước thải phục vụ khu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè và một phần Quận 2. Hiện nay, lượng nước thải này xả thẳng ra sông Sài Gòn không qua xử lý. Hệ thống ống và cống nước thải sẽ được lắp đặt tại một số khu vực tại Quận 2. Ngoài ra, dự án cũng sẽ hỗ trợ kỹ thuật giúp tăng cường vệ sinh môi trường và xử lý nước thải tại thành phố.

“Dự án nhấn mạnh cả vấn đề tăng cường xử lý nước thải và nâng cao nhận thức về môi trường. Ngoài phát triển hạ tầng và tăng cường quản lý nước thải, dự án cũng sẽ lập một Trung tâm Học tập về Môi trường nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề vệ sinh có lợi cho người dân thành phố”, ông Sudipto Sarkar, chuyên gia cao cấp, trưởng nhóm dự án Ngân hàng Thế giới nói.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tổng giá trị dự án là 495 triệu USD, trong đó 250 triệu USD vay từ Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD) và 200 triệu USD là khoản tín dụng từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA). Còn TPHCM tự cấp vốn 45 triệu USD cho dự án.

An Hạ


Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”