Việt Nam vẫn là "ngôi sao" trong thu hút FDI tại ASEAN
(Dân trí) - Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Việt Nam có lợi thế so với các nước ASEAN khác trong quan hệ cạnh tranh thu hút FDI.
ASEAN đổ gần 52 tỷ USD vào Việt Nam
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Các nhà đầu tư khu vực ASEAN đã đầu tư vào 55/63 tỉnh thành của Việt Nam, vốn đầu tư tập trung chủ yếu vào các thành phố lớn, có điều kiện cơ sở hạ tầng phát triển. Trong đó đứng đầu là TPHCM với 1036 dự án với số vốn đầu tư đăng ký 13,2 tỷ USD (chiếm 42,6% tổng số dự án và 25,46% tổng vốn đầu tư).
Đứng thứ 2 là thủ đô Hà Nội với 391 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 8,53 tỷ USD (chiếm 16% tổng số dự án và chiếm 16,47% vốn đăng ký). Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đứng thứ 3 có 66 dự án với số vốn đầu tư đăng ký 6,16 tỷ USD (chiếm 2,7% tổng số dự án và 11,89% tổng vốn đầu tư). Còn lại là các địa phương khác.
Dẫn đầu trong khu vực ASEAN đầu tư vào Việt Nam là Singapore với 1312 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 31 tỷ USD (chiếm 53,9% tổng số dự án và 59,87% tổng vốn đầu tư đăng ký). Đứng thứ hai là Malaysia với 473 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 11,83 tỷ USD (chiếm 19,4% tổng số dự án và 22,8% tổng vốn đầu tư đăng ký).
Đứng thứ ba là Thái Lan có 365 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký là 6,63 tỷ USD (chiếm 15,01% tổng số dự án và 12,8 % tổng vốn đầu tư đăng ký). Còn lại theo thứ tự lần lượt là các nước Brunei, Indonesia, Philippines, Lào và Campuchia.
Việt Nam mang gần 10 tỷ USD đầu tư vào ASEAN
Tính đến hết tháng 8 năm 2014, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư sang 9 nước trong khu vực ASEAN, với 515 dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký của nhà đầu tư Việt Nam là 9,67 tỷ USD. Tính trung bình một dự án đầu tư ra của Việt Nam sang ASEAN có vốn đầu tư đăng ký là 18,77 triệu USD.
Dẫn đầu là đầu tư sang Lào với 248 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 4,73 tỷ USD vốn đăng ký (chiếm 48,15% tổng số dự án và 48,97% tổng vốn đầu tư đăng ký).
Đứng thứ hai là đầu tư sang Campuchia với 161 dự án và 3,45 tỷ vốn đầu tư đăng ký (chiếm 31,26% tổng số dự án và 35,6% tổng vốn đầu tư đăng ký). Đứng thứ ba là đầu tư sang Malaysia với 10 dự án và 754,68 triệu USD vốn đăng ký (chiếm 1,9% tổng số dự án và 7,8% tổng vốn đầu tư đăng ký).
Việt Nam có lợi thế so với các nước ASEAN
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, ASEAN đang là một điểm sáng trong thu hút FDI trên toàn cầu. Là một thành viên của ASEAN, trong quan hệ vừa hợp tác vừa cạnh tranh với các nước thành viên khác, Việt Nam có nhiều lợi thế trong thu hút FDI. FDI vào khu vực liên tục tăng, năm 2011 tổng lượng FDI vào ASEAN là 114 tỷ USD tăng 24% so với năm 2010.
Việc ASEAN sẽ trở thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015, với các Hiệp định chung điều chỉnh về đầu tư (Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN - ACIA), thương mại (Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN – ATIGA) và dịch vụ (Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ - AFAS), làm tăng sức hấp dẫn của khu vực này trong thu hút FDI.
Các công ty đa quốc gia đang liên tục mở rộng hoạt động đầu tư của mình tại ASEAN. Các tập đoàn đa quốc gia (TNC) lớn trên thế giới đã có mặt và đang mở rộng hoạt động đầu tư của mình tại ASEAN. Hơn 80% số công ty có tên trong Danh sách 500 công ty toàn cầu của Fortune đã có mặt tại ASEAN. Tại ASEAN đã có hoạt động của toàn bộ 10 công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất ô tô, 10 nhà sản xuất phụ tùng ô tô lớn nhất toàn cầu; 10 nhà sản xuất điện tử hàng đầu; 10 doanh nghiệp dược phẩm hàng đầu.
Việt Nam có lợi thế so với các nước ASEAN khác trong quan hệ cạnh tranh thu hút FDI. Trong khi đó, Thái Lan có lợi thế nhưng một phần thị trường đã bão hòa, nhân công có chi phí ngày càng cao và thiếu về số lượng. Bất ổn chính trị cũng ảnh hưởng đáng kể tới dòng FDI vào đây (FDI của Nhật vào Thái Lan giảm từ mức trên 557 tỷ yên năm 2011 xuống còn 46 tỷ yên năm 2012).
Indonesia có thị trường lớn nhưng lại có vấn đề về tôn giáo, văn hóa, chính trị. Myanmar là địa bàn mới nổi lên trong thu hút FDI nhưng với thực trạng yếu kém về chính sách và hạ tầng hiện nay thì phải 3-5 năm nữa nước này mới có thể cải thiện được môi trường đầu tư.