1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Chương trình Lãnh đạo Eisenhower 2014:

Việt Nam trước "guồng quay" AEC: Được và mất

(Dân trí) - Với Việt Nam, Cộng đồng kinh tế tự do ASEAN (AEC) mang lại nhiều cơ hội, trong đó, việc gia nhập vào “guồng quay” này sẽ buộc Việt Nam phải tự nâng cao sức cạnh tranh và đẩy nhanh tiến độ cũng như hiệu quả tái cấu trúc.

Hội nghị khu vực Đông Á của Chương trình Lãnh đạo Eisenhower (Eisenhower Fellowship Program) được tổ chức trước mốc 2015 đúng 3 tháng – năm mà Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hy vọng sẽ đạt được cột mốc quan trọng thông qua việc thực hiện cộng đồng kinh tế ASEAN.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 

Hội nghị quy tụ gần 60 nhà lãnh đạo đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Trong đó có những tên tuổi khá nổi tiếng trong khu vực và trên thế giới như Thứ trưởng Bộ Tài chính Singapore Lim Soo Hoon, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan Somkiat Tangkitvamich, Viện trưởng Viện Dân chủ và Kinh tế Malaysia Hoàng tử Abidin Muhriz, và Thống đốc Vùng tự trị Hồi giáo Mindanao Mujiv Hataman.

Đây là lần đầu tiên Hội nghị này được tổ chức tại Việt Nam, sau khi Việt Nam được lựa chọn tham gia Chương trình vào năm 2013, đúng 60 năm sau khi Chương trình ra đời.

Các đại biểu tham gia Hội nghị Lãnh đạo Eisenhower 2014
Các đại biểu tham gia Hội nghị Lãnh đạo Eisenhower 2014

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đánh giá, Việt Nam đang có một thế hệ lãnh đạo trẻ đầy hứa hẹn, là những người có tầm nhìn chiến lược và cam kết với sự phát triển của đất nước.

Ông Lộc lưu ý, trọng tâm chính trước mắt của Việt Nam là, trong vòng chưa đầy ba tháng nữa sẽ bắt đầu năm 2015- năm mà Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hy vọng sẽ đạt được cột mốc quan trọng thông qua việc thực hiện cộng đồng kinh tế ASEAN.
Theo đó, Cộng đồng kinh tế tự do ASEAN (AEC) đang trở thành một điểm rất được chú trọng trong kinh doanh quốc tế. AEC hướng tới mục tiêu cho phép tự do trao đổi hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và người lao động có tay nghề cao.

Tuy nhiên, một mối quan tâm thực sự, theo ông Lộc, là liệu 10 nước ASEAN sẽ thực hiện được lời hứa vòa thời hạn cuối năm 2015 không? Trong bối cảnh thiếu vắng những thể chế khu vực và cơ chế xử phạt đối với việc không tuân thủ, cũng như sự thiện chí trong hợp tác cùng phát triển, chỉ có sự liên kết chặt chẽ giữa các tổ chức và áp lực tự dưới lên mới có thể khuyến khích các nước thành viên ASEAN thực hiện cam kết của cộng đồng. 

Vì vậy, sự hiểu biết lẫn nhau vô cùng quan trọng trong việc giúp làm cầu nối giữa khoảng cách của các nước thành viên ASEAN – Chủ tịch VCCI nhận định.

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của nhà kinh tế hàng đầu Thái Lan Somkiat Tangkitvamich, thì trong năm 2015 tới, sẽ không có thay đổi đáng kể với hầu hết các nước ASEAN. Bởi dưới hệ quy chiếu của AFTA, những thành viên đầu tiên của ASEAN đã giảm thuế suất kể từ năm 1993 và gần như đã hoàn tất việc cắt giảm thuế quan theo kế hoạch. 

Song ông Somkiat cũng nhận định, việc loại bỏ những hàng rào phi thuế quan và tự do hóa thương mại trong dịch vụ và đầu tư sẽ có những bước tiến nhất định.

Và thay đổi lớn nhất có lẽ là việc các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam) sẽ phải cắt giảm thuế quan cho các thành viên ASEAN khác. Cùng với đó, sẽ có những vấn đề phát sinh không chỉ do tiến độ thực hiện chậm chạp mà còn từ sự thiếu cam kết một cách mạnh mẽ giữa các nước ASEAN – ông Somkiat quan ngại.

Các đại biểu tham gia Hội nghị Lãnh đạo Eisenhower 2014

Góp phần tham luận tại Hội nghị, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng ghi nhận những cơ hội cho các nền kinh tế ASEAN, nhất là khi năng suất lao động có thể so sánh được với Trung Quốc. Riêng với Việt Nam, AEC mang lại nhiều cơ hội, trong đó, việc gia nhập vào “guồng quay” này sẽ buộc Việt Nam phải tự nâng cao sức cạnh tranh và đẩy nhanh tiến độ cũng như hiệu quả tái cấu trúc.

Đây cũng là cơ hội để Việt Nam thu hẹp khoảng cách phát triển với các thành viên dẫn đầu trong khu vực.

Tuy nhiên, việc Việt Nam đang trong quá trình quá độ tiến tới kinh tế thị trường, trình độ phát triển ở mức thấp so với các nước ASEAN-6 (Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan), hành lang pháp lý còn nhiều bất cập…đang là những thách thức lớn với Việt Nam khi AEC có hiệu lực.

Với chủ đề “Vai trò của các Thành viên Eisenhower trong Hội nhập Kinh tế Khu vực”, Hội nghị Eisenhower Fellowship lần này hướng đến mục tiêu tạo ra được nhiều hơn sự hợp tác giữa các thành viên vì hòa bình, thịnh vượng và công bằng trong khu vực. 

Chủ tịch Chương trình Lãnh đạo Eisenhower, ông George de Lama tin rằng, “Khả năng lãnh đạo của các nhà thành viên Eisenhower là tấm gương cho các thế hệ lãnh đạo Eisenhower sau này noi theo, có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đối với xã hội và góp phần tăng cường sự hiểu biết trên toàn khu vực châu Á.”

Việt Nam hiện đã có 6 lãnh đạo trẻ hoàn tất Chương trình Eisenhower Fellowship: Đại biểu quốc hội TS. Mai Hữu Tín, Phó giám đốc điều hành Công ty cổ phần tư vấn năng lượng và môi trường VNEEC Đặng Hồng Hạnh, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI Đậu Anh Tuấn, Trưởng đại diện Quỹ Cựu chiến binh Hoa Kỳ tại Việt Nam Nguyễn Thu Thảo (Thảo Griffiths), Giám đốc điều hành công ty dệt may Nguyễn Phát (GARB) Nguyễn Thành Vinh, và Giám đốc điều hành Crestcom International tại Việt Nam Hoàng Ngọc Bích.  

Hai đại biểu lãnh đạo trẻ kế tiếp của Việt Nam đã được chọn lựa tham gia chương trình mùa Xuân năm 2015 là Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) của Trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội và Tiến sĩ Phan Quốc Công, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất Hàng gia dụng Quốc tế (ICP).
 

Chương trình Lãnh đạo Eisenhower là một chương trình phi lợi nhuận, phi đảng phái được thành lập vào năm 1953 như một món quà sinh nhật tặng Tổng thống Hoa Kỳ Dwight Eisenhower, với nguồn tài chính đóng góp bởi các cá nhân và doanh nghiệp. Năm 1984, Quốc Hội Hoa Kỳ lần đầu tiên tài trợ một phần ngân sách cho Chương trình Lãnh đạo Eisenhower. Từ năm 1990, hàng năm Quốc Hội Hoa Kỳ phân bổ một khoản ngân sách,đóng góp vào quỹ hoạt động của  Chương trình Lãnh đạo Eisenhower. 


Chủ tịch Chương trình Lãnh đạo Eisenhower đương nhiệm là Cựu bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Tướng Colin Powell. Các chủ tịch tiền nhiệm bao gồm Cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger, Cựu tổng thống George Bush, và Cựu Tổng thống Gerald Ford.

Mỗi năm Chương trình chọn từ 40-50 lãnh đạo thuộc mọi lĩnh vực có độ tuổi từ 32-45 đến Mỹ trong 7 tuần để tham quan và nghiên cứu theo chương trình riêng được xây dựng phù hợp với ý muốn và chuyên môn của từng người. Đến nay đã có gần 2.000 người từ hơn 100 quốc gia được chọn đến Mỹ theo Chương trình này.

 


Bích Diệp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”