Việt Nam sẽ thiếu đường nghiêm trọng?
(Dân trí) - Tổ Điều hành thị trường trong nước (Bộ Thương mại) cho biết: Đến hết tháng 3 này sẽ có khoảng 19/37 nhà máy đường kết thúc sản xuất vụ mía đường 2005/2006 do thiếu nguyên liệu. Và từ giờ đến hết tháng 4, vụ mía đường năm nay sẽ kết thúc với sự cầm cố hoạt động của 18 nhà máy.
Theo báo cáo của Hiệp hội mía đường Việt Nam, tháng 3/2006 sản xuất ước đạt 132.359 tấn đường, từ đầu vụ đến tháng 3/2006 sản xuất được 662.538 tấn đường, bằng 81,5% so với cùng kì năm 2005 (trong đó miền Bắc là 229.574 tấn, miền trung là 200.794 tấn, Nam Bộ là 332.170 tấn).
Do thiếu nguyên liệu mía nên giá mua mía năm nay nhìn chung ở mức cao, nhất là ở thời điểm cuối vụ. Hiện giá thu mua mía tại các nhà máy ở các tỉnh phổ biến ở mức: miền Bắc là 380.000-450.000đ/tấn, miền Trung là 500.000-550.000đ/tấn, Nam Bộ là 550.000-650.000đ/tấn (có nơi lên tới 700.000đ/tấn).
Tuy nước ta đang trong vụ sản xuất và nhu cầu tiêu thụ đường kính không tăng, nhưng do giá nguyên liệu mía trong nước và giá đường thế giới cao nên giá bán buôn và bán lẻ đường trên thị trường tăng từ 300đ-500đ/kg tại nhiều nơi, giá bản lẻ đường phổ biến tại các tỉnh là từ 13.000đ-13.500đ/kg.
Trong khi đó, giá đường thế giới vẫn ở mức cao do Tổ chức đường Quốc tế dự báo năm nay sẽ thiếu hụt khoảng 2,2 triệu tấn đường. Hiện tại London, đường trắng giao tháng 3/2006 ở mức 446,2 USD/tấn. Dự báo, tháng 4/2006 giá đường thế giới vẫn giao động ở mức trên 400 USD/tấn do nhu cầu nhập khẩu tăng từ nhiều nước Châu Á và Trung Đông, trong khi nguồn cung đường dự báo giảm ở các nước xuất khẩu lớn.
Do giá đường thế giới tăng cao, từ đầu năm đến cuối tháng 3/2006, các doanh nghiệp mới nhập khẩu khoảng 40.000 tấn đường. Dự kiến từ nay đến cuối tháng 8, các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu thêm 150.000 tấn đường. Đứng trước tình hình này, trong những ngày cuối tháng, đường nhập lậu qua biên giới Tây Nam vào nước ta đã có chiều hướng gia tăng.
Nguyễn Hiền