Việt Nam sẽ hưởng lợi từ việc Trung Quốc tăng chuỗi giá trị nhanh?
(Dân trí) - Theo đánh giá của HSBC, "sự thất bại của Hiệp định TPP chắc chắn là một trở ngại nhưng vẫn dành cho Việt Nam nhiều tiềm năng tăng trưởng. Việt Nam vẫn còn năng lực cạnh tranh cao và tiếp tục được hưởng lợi từ việc Trung Quốc tăng chuỗi giá trị nhanh, dành nhiều cơ hội xuất khẩu có giá trị ở những ngành hàng thấp...
Ngân hàng HSBC vừa công bố bản báo cáo nhận định về kinh tế Việt Nam với chủ đề "Lạc quan cẩn trọng về thương mại", trong đó có đề cập tới việc Tổng thống mới đắc cử Donald Trump phản đối hiệp định TPP khiến hiệp định này khó được phê chuẩn trong thời gian tới.
Bản báo cáo nhấn mạnh, thương mại là động cơ tăng trưởng của Việt Nam. Với khả năng cạnh tranh ngày càng giảm của Trung Quốc trong việc giảm bớt sản xuất công đoạn cuối, chủ yếu là do chi phí lương tăng vọt ở đại lục, Việt Nam tiếp tục giành được thị phần toàn cầu, đặc biệt là trong ngành điện tử và may mặc. Chính vì vậy, tại châu Á, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia vẫn duy trì kết quả hoạt động xuất khẩu sôi động trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu chậm chạp.
Theo đánh giá của HSBC, "sự thất bại của Hiệp định TPP chắc chắn là một trở ngại cho Việt Nam, nhưng vẫn dành cho Việt Nam nhiều tiềm năng tăng trưởng. Việt Nam vẫn còn năng lực cạnh tranh cao và tiếp tục được hưởng lợi từ việc Trung Quốc tăng chuỗi giá trị nhanh, dành nhiều cơ hội xuất khẩu có giá trị ở những ngành hàng thấp hơn cho các quốc gia khác mà trước đây hiếm cơ hội đạt được".
Sự hiện diện của các hiệp định thương mại tự do với các thành viên chiến lược làm tăng lợi ích cho ngành xuất khẩu. Hiệp định 12 quốc gia đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP, hiệp định thương mại giữa Mỹ với 11 quốc gia khu vực vành đai Thái Bình Dương, ngoại trừ Trung Quốc) sẽ trở thành một lực dẫn mạnh giúp hoạt động sản xuất đạt được nhiều hơn trong khi tăng cường cải cách cơ cấu cần thiết tại nước nhà.
Sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump thể hiện chính sách quản lý mới của ông, theo đó sẽ gác lại việc tham gia hiệp định TPP, Việt Nam đã quyết định không phê chuẩn hiệp định này, mặc dù được coi là quốc gia hưởng lợi lớn nhất.
"Nhưng không phải tất cả đều mất hết. Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam còn rất nhiều triển vọng. Chi phí gia tăng khiến Trung Quốc không còn là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất đối với nhiều doanh nghiệp, và Việt Nam trở thành một đối thủ đáng gờm. Vị trí địa lý của Việt Nam là tầm quan trọng chiến lược cho các doanh nghiệp nước ngoài có hoạt động trên địa bàn Đông Nam Á. Do đó, Việt Nam trở thành trung tâm xuất khẩu lý tưởng để tiếp cận các thị trường trong khối ASEAN. Một thuận lợi khác nữa là Việt Nam sở hữu một lực lượng lao động trẻ, với mức lương thấp và kỹ năng tay nghề ngày càng cao", bản báo cáo nhận định.
Cũng theo đánh giá từ HSBC, Việt Nam đã là một phần của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) ra đời vào cuối năm 2015. Ý tưởng thành lập là đưa mười nước thành viên hướng tới một thị trường và một cơ sở sản xuất duy nhất với dòng chảy tự do của hàng hóa, dịch vụ, lao động, đầu tư và vốn. Tuy nhiên, các quốc gia thành viên có thể phấn đấu hướng tới mục tiêu duy nhất theo chỉ thị của các chính phủ mỗi quốc gia, và một tầm nhìn chung có thể rất khó để đạt được khi mỗi nước ASEAN có rất nhiều điểm khác biệt. Nhưng rồi sự tồn tại của AEC không có nghĩa là chỉ gói gọn trong đó, AEC đơn thuần là một bàn đạp để tiếp bước thêm nữa.
Tuy nhiên, một nghiên cứu chung của Tổ chức Lao động Quốc tế và Ngân hàng Phát triển Châu Á đã đánh giá rằng nếu thỏa thuận được quản lý tốt trong thập kỷ tới, AEC có thể thúc đẩy nền kinh tế khu vực tăng 7,1% từ nay đến năm 2025 và tạo thêm 14 triệu công ăn việc làm.
Và rồi còn có Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP. Vòng đàm phán thứ 15 đã kết thúc vào tháng 10/2016. Mặc dù đã giới hạn thêm về quy mô so với Hiệp định TPP, Hiệp định RCEP sẽ kết nối ba nền kinh tế đông dân nhất trên thế giới là Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN. Hiệp định RCEP bao gồm những điều khoản thông thường của một hiệp định thương mại tự do như thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và quyền bảo vệ tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, có một vài dấu hiệu cảnh báo rằng hiệp định ký kết cuối cùng sẽ cắt giảm bớt một số điều khoản do những miễn trừ cụ thể của từng quốc gia và giữ nguyên nhiều biểu thuế.
Mặc dù có những hạn chế nhưng Hiệp định RCEP sẽ giúp thúc đẩy khối lượng giao dịch thương mại toàn châu Á tăng lên và khuyến khích đầu tư vào các chuỗi cung ứng mới. Thêm nữa, Hiệp định này sẽ cho phép sự hội tụ một cách hiệu quả những hiệp định đang có và từ đó loại bỏ hiệu ứng “tô mỳ”. Hiệu ứng “tô mỳ” lên quan đến sự tồn tại của những hiệp định song phương phức tạp khiến những điều khoản về xuất xứ, các mức thuế suất, những tiêu chuẩn... quá rắc rối và chồng chéo lên nhau, từ đó làm các doanh nghiệp khó có thể tận dụng các hiệp định thương mại tự do ngay được.
An Hạ