Việt Nam sẽ có thêm một “cú bắt tay khủng” trong ngành hàng thực phẩm

(Dân trí) - Hai “ông lớn” KIDO và Vinamilk vừa lên kế hoạch thành lập một liên doanh trong lĩnh vực nước giải khát, sản xuất và kinh doanh kem, các thực phẩm đông lạnh. Cổ phiếu KDC và VNM tiếp tục tăng.

Việt Nam sẽ có thêm một “cú bắt tay khủng” trong ngành hàng thực phẩm - 1

Việc hợp tác và M&A của các doanh nghiệp nội đầu ngành đang được khuyến khích (ảnh minh hoạ: KIDO)

Cú "bắt tay" giữa hai ông lớn

Mặc dù chịu áp lực điều chỉnh, song cổ phiếu KDC của Tập đoàn KIDO sáng nay vẫn tăng nhẹ 0,6% lên 33.800 đồng còn cổ phiếu VNM của Vinamilk cũng giữ mạch tăng, tăng thêm 1,55% lên 124.700 đồng.

Cặp cổ phiếu này tăng giá trong bối cảnh KIDO và Vinamilk vừa ký thoả thuận ghi nhớ liên quan đến việc thành lập liên doanh trong lĩnh vực nước giải khát - kem với tỷ lệ góp vốn của Vinamilk và KIDO lần lượt là 51% và 49%.

Lĩnh vực liên doanh của hai bên là sản xuất kinh doanh nước giải khát, (bao gồm các loại nước có lợi cho sức khoẻ, trà, trà sữa….không bao gồm các loại có ga), sản xuất và kinh doanh các loại kem và thực phẩm đông lạnh.

Vinamilk là công ty sữa lớn nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại với thị phần hơn 50% trong ngành sữa, còn KIDO cũng dẫn đầu thị trường kem với thị phần chiếm 41,4%.

Công ty Thực phẩm đông lạnh KIDO (Kido Foods) cũng vừa trình sáp nhập vào KIDO với tỷ lệ hoán đổi cổ phần là 1:1,3.

Thị trường tăng bất chấp áp lực chốt lời mạnh

Thị trường trong nhiều phiên liên tục đi lên, sáng nay đã có dấu hiệu bị điều chỉnh khi hàng loạt mã cổ phiếu bị chốt lời.

VN-Index hiện đạt mức tăng 3.65 điểm tương ứng 0,41% lên 903,57 điểm trong khi HNX-Index giảm nhẹ 0,05 điểm tương ứng 0,04% còn 120,05 điểm. UPCoM-Index tăng nhẹ 0,09 điểm tương ứng 0,16% lên 57,39 điểm.

Thanh khoản dĩ nhiên không đột biến như phiên hôm qua song vẫn đạt mức cao với khối lượng giao dịch trên HSX đạt 325,81 triệu cổ phiếu tương ứng dòng tiền 4.401,53 tỷ đồng. HNX có 47,13 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 409,6 tỷ đồng và con số này trên UPCoM là 19,53 triệu cổ phiếu tương ứng 185,27 tỷ đồng.

Độ rộng thị trường vẫn nghiêng về phía các mã tăng giá, nhưng chênh lệch không lớn. Theo thống kê, cả 3 sàn có 351 mã tăng giá, 67 mã tăng trần so với 294 mã giảm và 23 mã giảm sàn.

Một số cổ phiếu lớn như GAS, BID, SAB, VPB, PLX bị giảm giá đã gây sức ép cho VN-Index. DBC cũng “hạ nhiệt”, bị chốt lời và đang giảm 800 đồng xuống 55.800 đồng.

Tuy vậy, nhiều mã cổ phiếu vẫn “kiên cường” giữ đà tăng, đặc biệt là cổ phiếu ngành hàng không và ngân hàng.

Sáng nay, VJC tăng 2.700 đồng lên 117.700 đồng; HVN tăng 1.450 đồng lên 30.200 đồng, AST tăng 1.400 đồng lên 59.400 đồng, ACV tăng 1.000 đồng lên 67.900 đồng.

Bên cạnh đó, VCB tăng lên 89.800 đồng, HDB tăng lên 27.850 đồng, TCB cũng tăng nhẹ lên 21.750 đồng và ACB trên HNX cũng tăng. Những ông lớn khác như VNM tăng 1.900 đồng lên 124.700 đồng; VIC cũng tăng 600 đồng lên 96.600 đồng.

Nhóm cổ phiếu “nóng” như ITA vẫn tăng trần lên 5.300 đồng, không hề có dư bán, khớp 4,4 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần gần 18,4 triệu cổ phiếu. HSG tiếp tục tăng lên 11.600 đồng; ROS tăng lên 3.820 đồng và FLC tăng lên 3.370 đồng.

Diễn biến của thị trường trong sáng nay không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích. Trước phiên giao dịch, chuyên gia của Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) đã cho rằng, phiên này, VN-Index có thể sẽ rung lắc mạnh hơn khi chỉ số tiến tới ngưỡng kháng cự quanh 910 điểm.

Theo đó, nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu cao được khuyến nghị có thể tiếp tục canh bán ra khi VN-Index tiến gần đến ngưỡng kháng cự quanh 910 điểm.

Ở chiều ngược lại, những nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt lớn có thể giải ngân trở lại nếu thị trường điều chỉnh về vùng hỗ trợ quanh 880 điểm.

Mai Chi