Một đại gia bí ẩn đã “thâu tóm” toàn bộ vốn công ty thương mại của “vua kem” KIDO

(Dân trí) - Cổ phiếu KDC bất ngờ quay đầu giảm sau khi KIDO hoàn thành tất cả quyền và trách nhiệm trong việc bán toàn bộ 7.573 cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 75,73% tại Công ty cổ phần Thương mại và Hợp tác Quốc tế Hà Nội (HTIC) cho một cá nhân là ông Lê Cao Thuận.

Cổ phiếu KDC của Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO trong phiên hôm qua (18/9) bất ngờ điều chỉnh giảm nhẹ, mất 0,24% còn 21.200 đồng/cổ phiếu. Ngay trước đó, mã này vừa đạt trạng thái tăng trần.

Sự điều chỉnh của KDC diễn ra sau khi KIDO đã hoàn thành tất cả quyền và trách nhiệm trong việc bán toàn bộ 7.573 cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 75,73% tại Công ty cổ phần Thương mại và Hợp tác Quốc tế Hà Nội (HTIC) cho một cá nhân là ông Lê Cao Thuận.

HTIC có trụ sở đăng ký tại số 534 - 536, Phố Bạch Mai, Phường Trương Định, Quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội, hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực kinh doanh đồ ăn và thức uống.

Chưa rõ ông Lê Cao Thuận, cá nhân nhận chuyển nhượng ở thương vụ trên là ai. Tuy nhiên, trong hệ thống KIDO cũng có một người có tên Lê Cao Thuận, là Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến Thực phẩm Kinh Đô Miền Bắc và đồng thời làm Giám đốc Tài chính và Kế toán trưởng tại đây. Không loại trừ hai người này là một.

Một đại gia bí ẩn đã “thâu tóm” toàn bộ vốn công ty thương mại của “vua kem” KIDO - 1

Từ mảng bánh kẹo, sau khi bán thương hiệu Kinh Đô, KIDO đã chuyển sang trọng tâm là hàng đông lạnh 

Giao dịch giằng co trong suốt phiên, thị trường chứng khoán khép lại ngày giao dịch 18/9 với trạng thái trái chiều trên hai sàn, tuy nhiên, các chỉ số nhìn chung đều đóng cửa sát ngày mốc tham chiếu.

Cụ thể, trong khi VN-Index giảm nhẹ 1,59 điểm tương ứng 0,16% còn 995,15 điểm thì HNX-Index tăng nhẹ 0,06 điểm tương ứng 0,06% lên 102,29 điểm.

Mặc dù phiên này, số lượng mã tăng có phần nhỉnh hơn so với số mã giảm, song cách biệt là không đáng kể. Có 310 mã tăng, 35 mã tăng trần so với chỉ 295 mã giảm và 27 mã giảm sàn.

Nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn có sự phân hoá. Việc một số mã “đầu tàu” như GAS, VIC, VCB giảm điểm đã phần nào tác động tiêu cực đến VN-Index: GAS khiến chỉ số mất 1,64 điểm, tác động từ VIC là 0,59 điểm và từ VCB là 0,55 điểm. Chiều ngược lại, VNM, MSN, VPB tăng giá và đây là những mã có ảnh hưởng đáng kể nhất đến VN-Index trong phiên.

Thanh khoản đạt hơn 191 triệu cổ phiếu trên HSX tương ứng giá trị giao dịch 4.624,92 tỷ đồng và hơn 18 triệu cổ phiếu trên HNX tương ứng giá trị giao dịch 243,94 tỷ đồng.

Theo nhận định của BVSC, biến động giằng co với các nhịp tăng giảm đan xen của thị trường trong phiên hôm qua phần nào cho thấy nhà đầu tư đang giữ thái độ thận trọng để chờ đợi kết quả cuộc họp chính sách của FED.

BVSC cho rằng, xu hướng thị trường trong ngắn hạn nhìn chung sẽ chịu ảnh hướng đáng kể từ thông điệp của FED về định hướng cắt giảm lãi suất trong thời gian tới.

Trong kịch bản tích cực, FED giảm lãi suất kèm theo thông điệp về việc quay lại chính sách tiền tệ nới lỏng thì thị trường dự báo sẽ có diễn biến tích cực với kỳ vọng bứt phá qua vùng kháng cự mạnh 1000-1005 điểm để hướng đến các vùng kháng cự mạnh hơn trong thời gian tới.

Ở chiều ngược lại, nếu FED giữ nguyên lãi suất hoặc giảm lãi suất nhưng chỉ đơn thuần là quá trình điều chỉnh giữa chu kỳ kinh tế thì nhiều khả năng thị trường toàn cầu sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực.

Trong bối cảnh đó, VN-Index nhiều khả năng sẽ quay về kiểm định vùng hỗ trợ 970-980 điểm. Chiến lược đầu tư mà BVSC đưa ra là duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 35-40% cổ phiếu và xem xét bán giảm tỷ trọng các vị thế ngắn hạn trong danh mục tại vùng kháng cự 998- 1005 điểm.

Mai Chi