1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Việt Nam sẽ có Sở giao dịch vàng Quốc gia?

Ông Trần Quốc Quýnh - chuyên gia cao cấp Hiệp Hội kinh doanh vàng VN (VGTA) cho rằng trong bối cảnh nhu cầu đầu tư vào vàng rất lớn như hiện nay việc thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia là cần thiết góp phần tạo một kênh đầu tư an toàn và hiệu quả.

Việt Nam sẽ có Sở giao dịch vàng Quốc gia? - 1
Ông Trần Quốc Quýnh
 
Ông Trần Quốc Quýnh cho biết: Từ năm 2005, VGTA cũng đã đề xuất thành lập hai trung tâm giao dịch vàng từ trước khi có các sàn giao dịch vàng phát triển.

Mục tiêu cho ra đời hai trung tâm giao dịch vàng nhằm kiểm soát lượng vàng giao dịch và theo dõi giá cả trên thị trường, góp phần bình ổn giá vàng trên thị trường VN và là đầu mối của các hoạt động giao dịch vàng trên thị trường theo cơ chế thỏa thuận giá.

Các tổ chức, cá nhân đều có thể tham gia mua bán, trao đổi vàng qua trung tâm này. Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau dự án này đã không triển khai được.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) vừa đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào ?

Nhu cầu đầu tư vàng tại VN trong những năm gần đây tăng nhanh và cũng là kênh đầu tư khá hiệu quả bởi giá vàng thế giới cũng như trong nước thời gian vừa qua liên tục có những biến động mạnh theo chiều hướng tăng. Đó cũng là nguyên nhân khiến cho hàng loạt sàn vàng ra đời.

Tuy nhiên do cách làm chưa chuyên nghiệp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đối với nhà đầu tư nên Chính phủ đã quyết định dừng hoạt động của các sàn vàng. Vì thiếu hình thức đầu tư qua “sàn” nên các nhà đầu tư của VN hiện nay chủ yếu đầu tư vàng vật chất.

Trong những thời điểm giá vàng biến động mạnh thị trường vàng vật chất thường có sự chênh lệch khá lớn so với giá vàng thế giới tính theo tỉ giá quy đổi gây thiệt hại cho nhà đầu tư.

Vì vậy tôi nghĩ cần thiết phải có Sở giao dịch vàng quốc gia sẽ để cơ quan quản lý có thể thực hiện, giám sát thị trường cũng như tạo ra một kênh đầu tư an toàn, hiệu quả.

Theo ông, Sở giao dịch vàng quốc gia của VN có sự khác biệt như thế nào so với các sàn giao dịch vàng trước đây ?

Các sàn giao dịch vàng trước đây phát triển quá nhanh, hoạt động chưa thật chuyên nghiệp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đối với nhà đầu tư. Còn theo đề xuất của BIDV thì Sở giao dịch vàng quốc gia thuộc sở hữu nhà nước được thành lập dưới dạng Cty TNHH một thành viên nhà nước với mặt hàng đặc biệt là vàng.

Đây là đầu mối giao dịch vàng tập trung và chính thức của cả nước. Việc hình thành một thị trường chung được kỳ vọng sẽ tạo ra một kênh đầu tư tốt đối với các nhà đầu tư đồng thời thu hút được sự tham gia của các ngân hàng, DN kinh doanh vàng có uy tín.

Theo mô hình đề xuất sẽ xây dựng hệ thống và quy định về giao dịch, hệ thống thanh toán cũng như các vấn đề về lưu trữ, vận chuyển và đảm bảo chất lượng vàng. Các vấn đề về quản lý rủi ro, đảm bảo minh bạch trên thị trường cũng được tuân thủ các quy định rõ ràng và chuyên nghiệp hơn.

Sở giao dịch vàng quốc gia sẽ vận hành trong mối quan hệ tổng hợp với các chủ thể là cơ quan quản lý nhà nước, ngân hàng, DN, nhà đầu tư cá nhân, do đó sẽ gắn kết chặt chẽ hơn thị trường vàng với hệ thống tài chính.

Thông quá Sở giao dịch vàng cũng sẽ huy động được một lượng vàng vật chất rất lớn trong dân tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước và hạn chế được tâm lý tích trữ vàng vật chất.

Một số ý kiến cho rằng việc quản lý thị trường vàng hay đưa ra một mô hình hoạt động không phải là khó, quan trọng là phải xây dựng được hệ thống công cụ phái sinh để đảm bảo an toàn và hiệu quả cho các nhà đầu tư?

Đây mới là đề xuất ban đầu, nếu được Chính phủ chấp thuận thì việc hiện thực ý tưởng này cần phải có sự nghiên cứu kỹ lượng và lựa chọn mô hình sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của VN.

Trên thế giới hiện nay có rất nhiều công cụ phái sinh được áp dụng, chẳng hạn như hedging (mua một hợp đồng này và bán một hợp đồng khác); nghiệp vụ giao dịch kỳ hạn (Forward); quyền chọn (Option)...

Bên cạnh đó là các công cụ bảo hiểm rủi ro. Lựa chọn các công cụ như thế nào để phù hợp với điều kiện VN thì các ban ngành liên quan sẽ phải bàn bạc và thống nhất. VN là nước đi sau nên có lợi thế là tham khảo, vận dụng các mô hình của các nước đã thành công vì vậy các vấn đề kỹ thuật cũng không phải là quá khó, quan trọng là thống nhất được chủ trương.

Xin cám ơn ông!

Theo Phan Nam
Báo DĐDN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm