Việt Nam sang Algeria khai thác dầu

(Dân trí) - Algeria là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại châu Phi và trong quan hệ thương mại song phương, Việt Nam xuất siêu 100%. Về đầu tư, PetroVietnam đang triển khai dự án thăm dò, khai thác dầu tại Algeria; dự kiến sẽ khai thác thương mại vào tháng 6/2015.

1.200 lao động Việt Nam đang làm việc tại Algeria (ảnh minh họa)
1.200 lao động Việt Nam đang làm việc tại Algeria (ảnh minh họa)


Theo lịch trình, ngày 1/6/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có cuộc Hội đàm với Thủ tướng Abdelmalek Sellal; hội kiến Tổng thống và Chủ tịch Thượng viện Algeria nhằm trao đổi các phương hướng lớn và các biện pháp nhằm thúc đẩy và đưa hợp tác song phương lên một bước phát triển mới, nhất là hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, văn hóa, y tế, lao động, dầu khí.

Algeria nằm ở Bắc Phi, trên bờ Nam Địa Trung Hải, có diện tích gần 2,4 triệu km2 với dân số trên 38 triệu người. Algeria có thế mạnh về dầu lửa (với trữ lượng ước tính khoảng 38 tỷ thùng) và khí đốt (với trữ lượng ước tính khoảng 4.500 tỷ m3). Ngoài ra Algeria còn có các tài nguyên khác như sắt, phốt phát, than, đồng, chì, kẽm…

Việt Nam và Algeria đã thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1962. Thời gian qua, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước có những bước phát triển tích cực.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch thương mại song phương giữa 2 nước năm 2014 đạt gần 250 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất siêu gần như 100%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Algeria là cà phê, gạo, điện thoại các loại, linh kiện… 

Riêng trong quý I/2015, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Algeria đạt gần 70 triệu USD. Hiện nay, Algeria là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại châu Phi.

Về đầu tư, hiện nay PetroVietnam đang triển khai dự án thăm dò, khai thác dầu tại Algeria; dự kiến sẽ khai thác thương mại vào tháng 6/2015. Trong hợp tác lao động, hiện có khoảng 1.200 lao động xây dựng Việt Nam đang làm việc cho các nhà thầu của các nước thứ 3 (Nhật Bản, Trung Quốc…) tại Algeria.

Hai nước cũng đã ký kết nhiều Hiệp định và Thỏa thuận quan trọng, trong đó có: Hiệp định hợp tác kinh tế - khoa học và kỹ thuật; Hiệp định thương mại; Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực văn hóa thông tin; Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; Hiệp định tương trợ tư pháp về thương mại và dân sự; Hiệp định bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Thỏa thuận hợp tác y tế; Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến thương mại; Thỏa thuận hợp tác giữa hai Phòng Thương mại và Công nghiệp…

Được biết, vào chiều 31/5 (giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì buổi đối thoại doanh nghiệpViệt Nam - Algeria tại Nhà khách Chính phủ El Mithak, Thủ đô Algiers.

Giới thiệu về thị trường Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Việt Nam hiện đứng hàng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm như gạo, cà phê, hàng dệt may, điện tử và có thế mạnh về các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, thực phẩm, cơ khí, năng lượng, dầu khí,... 

Hiện nay, Việt Nam đang tập trung thu hút các dự án FDI có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, đặc biệt trong các lĩnh vực: hạ tầng, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin, nông nghiệp hiện đại, dịch vụ chất lượng cao...

Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp Algeria hợp tác trong các dự án về khai khoáng, năng lượng, viễn thông, công nghệ thông tin, xây dựng, hàng tiêu dùng, nông nghiệp... tại Việt Nam. Đồng thời đề nghị doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư, tăng cường xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp, hàng may mặc và giầy dép, dược phẩm sang Algeria; tìm kiếm cơ hội nhập khẩu các sản phẩm dầu khí, hóa dầu từ Algeria. 

Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ và các đối tác Algeria tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam được tham gia thi công, đầu tư các công trình hạ tầng, nhà ở, cung cấp lao động cho thị trường Algeria.

Bích Diệp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”