Việt Nam sẵn sàng kết nối Cơ chế một cửa ASEAN
Dự kiến ngày 10/9/2015, Việt Nam sẽ kết nối kỹ thuật vào Cơ chế một cửa ASEAN. Ông Nguyễn Mạnh Tùng, Cục trưởng Cục CNTT và Thống kế Hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết về công tác chuẩn bị và mức độ sẵn sàng của Việt Nam.
Bộ Tài chính vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho tổ chức Lễ công bố thực hiện chính thức Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và kết nối kỹ thuật Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) vào ngày 10-9-2015. Ông có thể cho biết công tác chuẩn bị và mức độ sẵn sàng của Việt Nam như thế nào?
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh- Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về ASW và NSW, trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và chuẩn bị cho việc kết nối với Cơ chế một cửa ASEAN. Đến nay, Tổng cục Hải quan đã chính thức kết nối với 6 Bộ, ngành, gồm: Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và môi trường.
Đồng thời, Tổng cục Hải quan cũng đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tích cực chuẩn bị và triển khai các giải pháp kỹ thuật và các vấn đề pháp lý để có thể kết nối 3 Bộ này vào NSW trong tháng 9-2015, hoàn thành mục tiêu kết nối NSW theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, sớm hơn 1 tháng so với dự kiến.
Liên quan đến ASW, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành đẩy nhanh việc triển khai các giải pháp kỹ thuật, thông báo chính thức và được Ban Thư ký ASEAN đồng ý việc Việt Nam kết nối kỹ thuật với 4 nước thành viên ASEAN gồm: Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan trong khuôn khổ thực hiện thí điểm ASW hướng tới thực hiện chính thức vào cuối năm 2015.
Trong thời gian vừa qua, Tổng cục Hải quan đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan cài đặt và chuẩn bị kết nối kỹ thuật vào ASW. Từ ngày 17 đến 19-8-2015, Hải quan Việt Nam đã hoàn thành việc cài đặt và tiến hành kết nối kỹ thuật giữa Việt Nam với Indonesia - quốc gia đầu tiên trong khu vực đáp ứng sự sẵn sàng trong việc kết nối ASW. Việc kết nối giữa 2 nước đã được thực hiện thành công. Tiếp theo Indoneisa, Việt Nam sẽ thực hiện việc kết nối kỹ thuật với Malaysia, sau đó là Singapore và Thái Lan.
Bên cạnh công tác chuẩn bị về mặt kỹ thuật với các quốc gia trong khu vực, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương phối hợp để chuẩn bị nội dung cho việc kết nối ASW. Đó là Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong khu vực ASEAN (C/O form D) do Bộ Công Thương cấp.
Như vậy, có thể nói, về mặt kỹ thuật, Việt Nam đã sẵn sàng kết nối với ASW.
Ông có thể cho biết, sau khi kết nối ASW, việc chia sẻ thông tin về C/O Form D được thực hiện và sử dụng thế nào và sẽ mang lại lợi ích gì cho cộng đồng doanh nghiệp?
Trước mắt, sau khi kết nối, thông tin về C/O Form D sẽ được trao đổi giữa Cổng thông tin Cơ chế một cửa quốc gia giữa Việt Nam và Indonesia. Về lâu dài, sẽ trao đổi thông tin sẽ giữa Việt Nam với các nước ASEAN. Đối với Việt Nam, sau khi thông tin được tiếp nhận từ Cổng thông tin Cơ chế một cửa quốc gia của một nước ASEAN sẽ được chia sẻ (từ Cổng thông tin Cơ chế một cửa quốc gia) đến Hệ thống thông quan tự động của cơ quan Hải quan để phục vụ thông quan hàng hóa và miễn giảm thuế theo quy định cho cộng đồng DN. Bên cạnh đó, thông tin còn được chia sẻ về Bộ Công Thương để phục vụ công tác quản lý của đơn vị này.
Việc kết nối và trao đổi thông tin qua ASW sẽ giúp cho DN được hưởng thêm nhiều lợi ích, đó là việc thông quan hàng hóa được nhanh chóng vì cơ quan Hải quan không còn mất thời gian để xác minh thông tin về C/O như hiện nay. Và lợi ích này không chỉ ở riêng rẽ từng quốc gia mà DN sẽ được hưởng ở tất cả các quốc gia đã kết nối ASW. Có thể nói hoạt động XNK của DN sẽ thuận lợi hơn.
Xin cảm ơn ông!
Theo Thái Bình (thực hiện)
Báo Hải Quan