Việt Nam nhập than cốc từ Trung Quốc với giá gấp 3 lần giá than cám

An Linh

(Dân trí) - Việt Nam tăng nhập các sản phẩm dầu thô và than đá số lượng lớn trong thời gian dịch bệnh. Giá nhập khẩu các loại than đá và dầu thô rẻ hơn nhiều so với giá xuất khẩu mặt hàng cùng loại.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính trong tháng 7, lượng than đá nhập khẩu của Việt Nam đạt gần 4,4 triệu tấn, giá nhập khẩu than về nước khoảng 1,4 triệu đồng/tấn. Lũy kế 7 tháng đầu năm, lượng than nhập khẩu về Việt Nam đạt gần 36 triệu tấn, kim ngạch 2,5 tỷ USD.

Việt Nam nhập than cốc từ Trung Quốc với giá gấp 3 lần giá than cám - 1

Việt Nam tăng nhập lượng lớn than và dầu thô trong thời gian diễn ra dịch bệnh. Tuy nhiên, than nhập từ Trung Quốc vẫn có giá thành rất cao

Sản lượng than nhập khẩu về Việt Nam ước tăng hơn 46% so với cùng kỳ năm trước, đơn giá bình quân đạt 1,6 triệu đồng/tấn.

Các thị trường Việt Nam nhập than nhiều nhất là Indonesia, Nga và Trung Quốc. Riêng than nhập từ Trung Quốc về Việt Nam dù ít, khoảng 140.000 tấn, nhưng giá lại rất cao, khoảng 6,2 triệu đồng/tấn, gấp gần 3 lần so với giá mua bình quân của các nước khác và giá trên thị trường.

Than từ Indonesia được nhập về nhiều nhất trong 7 tháng qua với 11,2 triệu tấn, kim ngạch hơn 540 triệu USD, giá bình quân đạt hơn 1,1 triệu đồng/tấn.

So sánh với giá than xuất khẩu của Việt Nam cùng thời điểm, giá than nhập bình quân các nước hiện rẻ hơn 1,5 triệu đồng/tấn. Lượng than xuất của Việt Nam trong 7 tháng qua đạt hơn 410.800 tấn, kim ngạch hơn 57 triệu USD, giá bán bình quân 3 triệu đồng/tấn, bằng 1/2 giá than nhập từ Trung Quốc và cao hơn gần 3 lần giá than nhập từ Indonesia.

Hoạt động nhập khẩu than của Việt Nam gần đây đã gia tăng mạnh mẽ. Năm 2019 Việt Nam phải nhập hơn 43,7 triệu tấn than các loại, kim ngạch đạt 3,78 tỷ USD, tăng 91% về sản lượng so với cùng kỳ năm trước. 

Theo Bộ Công Thương, việc Việt Nam tăng nhập khẩu than với số lượng lớn chủ yếu do nhu cầu than cho các nhà máy điện lớn. Trong khi đó, lượng than khai thác trong nước ngày càng khó khăn, chi phí tốn kém do phải khai thác dưới độ sâu dẫn đến hiệu quả không cao.

Tổng sơ đồ điện 7 của Việt Nam vẫn còn lượng lớn các nhà máy nhiệt điện chạy than, trong đó có cả các nhà máy nhiệt điện BOT, nhiệt điện cho khu công nghiệp, khu chế xuất được cơ chế mua bán than riêng. Chính vì vậy, các doanh nghiệp đơn phương ký hợp đồng nhập than giá rẻ từ nước ngoài thay vì mua than trong nước.

Một mặt hàng nguyên liệu khác là dầu thô, trong thời gian qua Việt Nam cũng nhập khẩu số lượng lớn và đột biến. Theo Tổng cục Hải quan, căn cứ vào mã số HS, mặt hàng than xuất của Việt Nam chủ yếu là than chất lượng cao, than nhập từ Trung Quốc cũng là than chất lượng cao, phục vụ cho tinh luyện gang.

Các loại than nhập từ Indonesia, Nga chủ yếu là than cám, phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện, nhà máy điện trong các khu chế xuất, khu công nghiệp.

Về dầu thô, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm Việt Nam nhập hơn 7,2 triệu tấn, kim ngạch hơn 2,35 tỷ USD, bình quân giá dầu thô nhập khoảng 7,5 triệu đồng/tấn.

Sản lượng dầu thô nhập khẩu về Việt Nam cũng tăng cao gần 50% so với cùng kỳ năm trước. Giá nhập khẩu dầu thô 7 tháng đầu năm 2020 chỉ bằng 65% so với cùng kỳ năm trước (11 triệu đồng/tấn). Việc nhập khẩu dầu thô trong bối cảnh giá dầu thô giảm có lợi cho các nhà máy lọc hóa dầu tại Việt Nam.