Việt Nam nhập siêu nông sản từ Trung Quốc
Theo bà Phạm Thi Tước, Vụ phó Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dưới tác động của quá trình mở cửa thị trường theo các Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA). Việt Nam đang từ một nước xuất siêu nông sản sang Trung Quốc trở thành thị trường nhập siêu nông sản từ nước này.
Số liệu thống kê từ Bộ Thương mại cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam sang Trung Quốc đã giảm từ 142,8 triệu USD năm 2001 xuống còn 35 triệu USD năm 2005.
Trong đó, riêng rau quả - mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong khối lượng xuất khẩu năm 2004 chỉ đạt 20 triệu USD, bằng 14% so với kim ngạch xuất khẩu rau quả cao nhất là năm 2001, và chỉ bằng 29,65% so với năm 2003.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu rau quả của Việt Nam từ Trung Quốc lại tăng từ 30,9 triệu USD năm 2001 lên 80,2 triệu USD năm 2005.
Điều này khiến, Trung Quốc từ một thị trường nhập siêu, tiêu thụ đến 50% sản lượng rau quả Việt Nam nay Trung Quốc đã trở thành nhà xuất khẩu với kim ngạch luôn xuất siêu vào Việt Nam.
Thực tế, trong tiến trình hình thành khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), các đối tác đã đồng ý bắt đầu thực hiện trước thời hạn một số lĩnh vực gọi là chương trình thu hoạch sớm (Early Harvest Program - EHP) trong đó có 600 mặt hàng nông sản phải giảm thuế từ năm 2003. Đối với Việt Nam, EPH bắt đầu từ năm 1/1/2004 và sẽ kết thúc vào 1/1/2008.
Bên cạnh đó, mặc dù Việt Nam chưa gia nhập WTO nhưng Trung Quốc cũng đã dành cho Việt Nam ưu đãi tối huệ quốc với hàng hoá xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc như với các nước thành viên WTO từ 1/1/2002, trong đó mức thuế suất trung bình đối với hàng nông sản đã giảm xuống mức trung bình còn 13,6%.
Mở cửa cho Việt Nam đồng thời mở cửa cho nhiều nước ASEAN khác nhưng với tốc độ nhanh hơn nên bắt buộc hàng nông sản Việt Nam phải cùng cạnh tranh trong khối ASEAN tại thị trường Trung Quốc với những nước mạnh về sản phẩm nông nghiệp như: rau quả, thuỷ sản và gạo của Thái Lan; các đối thủ khác như Philipinnes, Malaysia... đều có những mặt hàng thế mạnh cùng cơ cấu với Việt Nam.
Việc mở cửa cho Việt Nam vào Trung Quốc cũng đồng nghĩa việc mở cửa cho sản phẩm của Trung Quốc và các nước khác vào Việt Nam.
Trong hoàn cảnh đó, điểm yếu sản xuất nhỏ lẻ, quy mô nhỏ; năng suất thấp và chất lượng không đều, chủ yếu là xuất thô, hàm lượng chế biến thấp... đã khiến hàng hoá nông sản Việt Nam không cạnh tranh nổi trên thị trường Trung Quốc dẫn đến sụt giảm.
Đây là một dấu hiệu cảnh báo những thách thức trong quá trình hội nhập của Việt Nam.
Theo Phước Hà
VietNamnet