Việt Nam nên tiết chế cưỡng chế thu hồi đất

(Dân trí) - Các đối tác phát triển đã đưa ra 13 khuyến nghị nhằm khắc phục những hạn chế của Luật Đất đai, tăng cường đầu tư cho nông nghiệp, tạo điều kiện cho người dân được sử dụng đất lâu dài và hiệu quả, hướng tới phát triển bền vững ở Việt nam.

WB:
WB: Sự minh bạch và công bằng trong thu hồi đất và bồi thường là ưu tiên quan trọng cho việc sửa đổi Luật Đất đai (Ảnh minh họa).
 
Khuyến nghị chính sách đất đai chung của Ngân hàng Thế giới (WB) và Liên Hiệp Quốc (UN) tại Việt Nam được công bố ngày 5/11/2012 nhằm “Sửa đổi Luật Đất đai để thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam” trước thềm các phiên thảo luận của Quốc hội Việt Nam về thay đổi Luật Đất đai, tập trung vào các cải cách cần thiết để giải quyết các kẽhở và thiếu sót hiện thời.

Theo đó, nhằm đảm bảo công bằng và minh bạch trong quá trình thu hồi đất, Việt Nam nên giới hạn việc Nhà nước thu hồi đất bắt buộc vào các mục đích quốc phòng, an ninh, và các dự án đem lại lợi ích công cộng; đưa ra các quy định cụ thể về các dự án vì mục đích công cộng; có thể được phép thu mua đất vì các mục đích phát triển kinh tế nhưng phải theo nguyên tắc tự nguyện và đồng thuận của cả hai bên thay vì cưỡng chế như hiện nay.

Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Quốc gia của UN tại Việt nam cho rằng, "Đối xử công bằng giữa các đối tượng sử dụng đất là rất quan trọng đối với tăng trưởng công bằng hơn và phát triển con người ở Việt Nam. Việc sửa đổi Luật Đất đai là một cơ hội quan trọng nhằm đảm bảo công bằng lợi ích giữa các nhà đầu tư và nông dân, tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản trị đất đai".

WB và UN cũng cho rằng, cần thiết lập cơ chế giải quyết khiếu nại hiệu quả, công bằng và có trách nhiệm tại cấp dự án đầu tư để giảm bớt khiếu nại về thu hồi đất, thúc đẩy việc thực hiện dự án và góp phần ổn định trật tự xã hội.

Thay vì Nhà nước quyết định giá đền bù như hiện nay, phải xác định giá đất thị trường để bồi thường thông qua đơn vị cung cấp dịch vụ định giá đất được lựa chọn trên cơ sở đồng thuận giữa các bên. Sau đó, giá bồi thường đất và tài sản sẽ được các cơ quan độc lập ở cấp tỉnh và cấp trung ương thẩm định và quyết định.

Phía các đối tác cho rằng, các vấn đề liên quan đến đất đai tiếp tục chiếm áp đảo trong số các khiếu nại mà Chính phủ nhận được. Tham nhũng liên quan đến các vấn đề đất đai cũng được xem là phổ biến rộng rãi. Do đó, nghiên cứu về những vấn đề này sẽ mang lại những ý tưởng về cải cách thể chế quan trọng để cải thiện hệ thống quản lý đất đai của Việt Nam. Từ đó, giảm bớt bất ổn liên quan đến tranh chấp đất đai và kiểm soát tham nhũng tốt hơn.

Theo các chuyên gia quốc tế, nhằm tăng cường công tác phòng chống tham nhũng trong quản lí đất đai, cần đưa ra các quy định pháp luật về chính thức hóa và điều chỉnh việc tiếp cận thông tin đất đai trên các phương tiện điện tử; xác định các mục tiêu và sắp xếp thể chế để phát triển hệ thống thông tin đất đai và cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia của Việt Nam.

Thảo Nguyên - Bích Diệp