Việt Nam lọt top 10 quốc gia có nền kinh tế tốt nhất để đầu tư

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: “Tạp chí US News & World xếp Việt Nam đứng thứ 8/80 và thuộc trong số 10 quốc gia top đầu có nền kinh tế tốt nhất để đầu tư”.

Chiều nay (30/9), Văn phòng Chính phủ tổ chức cuộc họp báo về Nghị quyết 68/NQ-CP ban hành chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin: Thực hiện thành công Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước trong giai đoạn 2007 - 2010, Việt Nam cắt giảm, đơn giản hóa 4.818/5.421 thủ tục hành chính, cắt giảm 37,31% thủ tục hành chính tương ứng với khoảng gần 30.000 tỷ đồng mỗi năm.

Việt Nam lọt top 10 quốc gia có nền kinh tế tốt nhất để đầu tư - 1
Cuộc họp báo về Nghị quyết 68/NQ-CP ban hành chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025, chiều 30/9

Người phát ngôn của Chính phủ cho rằng kết quả cải cách thủ tục hành chính góp phần quan trọng trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam trong các xếp hạng thế giới.

Cụ thể: Xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016-2020 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam tăng 20 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia, nền kinh tế và xếp thứ 5 trong khu vực ASEAN; xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI 4.0 do Diễn đàn Kinh tế thế giới thực hiện cho thấy năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 10 bậc giai đoạn 2018 - 2019, từ 77 lên 67/141 quốc gia và xếp thứ 7 trong khu vực ASEAN.

“Tạp chí US News & World xếp Việt Nam đứng thứ 8/80 và thuộc trong số 10 quốc gia top đầu có nền kinh tế tốt nhất để đầu tư” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh các nhiệm vụ Chính phủ giao cho các Bộ, ngành, địa phương và tổ chức về triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP. Trong đó, tập trung cải cách mạnh mẽ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025; thúc đẩy việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tập trung lựa chọn, tái cấu trúc quy trình, cung cấp trên môi trường điện tử các thủ tục hành chính có nhu cầu lớn, liên quan đến nhiều hoạt động của người dân, doanh nghiệp kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia.

Các Bộ, ngành cần tiếp tục đổi mới lề lối, phương thức làm việc thông qua việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, thực hiện gửi-nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp chính quyền từ Chính phủ xuống cấp tỉnh, huyện, xã đã được áp dụng trên hệ thống dịch vụ điện tử quốc gia.

Người phát ngôn của Chính phủ cũng đề cập tới vai trò của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ và các Hiệp hội doanh nghiệp, tích cực tham gia ý kiến đối với các quy định trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của các Bộ, ngành và huy động sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân kiến nghị, phản ánh về những vướng mắc, rào cản trong hoạt động kinh doanh; kịp thời đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.

“Việt Nam phải cắt bỏ 20% quy định hiện có; thúc đẩy giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Hiện nay, có 1.191 thủ tục hành chính đã được đưa lên cổng dịch vụ công quốc qua, tuy nhiên tiện ích của các thủ tục công thì phải tiếp tục cải tiến” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.