Việt Nam "hút" ngày càng nhiều vốn Trung Quốc, khó kéo được tiền Mỹ, EU

Nguyễn Tuyền

(Dân trí) - Vốn đầu tư nước ngoài của các nước EU, Mỹ vẫn chỉ vào Việt Nam với số lượng rất nhỏ, thua xa so với vốn của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam.

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, trong 8 tháng qua, vốn đầu tư của Hoa Kỳ, Đức, Anh vào Việt Nam đều giảm mạnh.

Cụ thể: Vốn đầu tư của Hoa Kỳ trong 8 tháng qua chỉ đạt 172 triệu USD, giảm 91 triệu USD; vốn đầu tư của Đức cũng chỉ đạt 46 triệu USD, giảm 26 triệu USD và vốn của Anh là 121 triệu USD, giảm gần 60 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam hút ngày càng nhiều vốn Trung Quốc, khó kéo được tiền Mỹ, EU - 1

Mặc dù Việt Nam có nhiều lợi thế, nhưng vốn Mỹ, EU vào Việt Nam vẫn rất ít, kém xa so với vốn Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc

Trong khi đó, lượng vốn của các nhà đầu tư Á Đông vẫn vào Việt Nam với giá trị lớn. Các đối tác hàng đầu như Hàn Quốc, Nhật, Singapore và Trung Quốc vẫn có vốn lớn ở Việt Nam.

Cụ thể, Singapore đầu tư 6,5 tỷ USD vào Việt Nam, trong đó chỉ 1,4 tỷ USD là góp mua cổ phần, còn lại hầu hết là vào các dự án mới, bổ sung hoặc tăng thêm.

Vốn Hàn Quốc đứng thứ 2 trong 8 tháng qua khi ghi nhận đạt gần 3 tỷ USD, trong đó vốn góp mua cổ phần là hơn 650 triệu USD, chiếm hơn 20%. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, vốn của Hàn đầu tư vào Việt Nam giảm hơn 520 triệu USD, mức giảm tương đối ở vị thế của nhà đầu tư lớn.

Đặc biệt, nếu tính cả vốn của Trung Quốc, Hồng Kông đầu tư vào Việt Nam, con số này đạt trên 2,86 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số đối tác đầu tư vào Việt Nam.

Điều đặc biệt, cùng kỳ năm trước, các nhà đầu tư thuộc Trung Quốc đại lục bỏ khoảng 2,7 tỷ USD đầu tư làm ăn tại Việt Nam, trong đó gần 500 triệu USD để dành mua bán cổ phần doanh nghiệp Việt. Các nhà đầu tư Hồng Kông bỏ số vốn 5,6 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam, trong đó có 4 tỷ USD là vốn góp mua cổ phần doanh nghiệp.

Năm 2019, có thể nói là năm bùng nổ vốn đầu tư từ Trung Quốc đại lục và Hồng Kông vào Việt Nam. Xu hướng này vẫn sẽ phát triển mạnh trong những năm tiếp theo.

Đối với các nhà đầu tư Nhật Bản, trong 8 tháng qua, lượng vốn của Nhật vào Việt Nam giảm khá rõ với chỉ 1,65 tỷ USD, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước.

Sự suy giảm vốn của Nhật Bản có thể do ảnh hưởng của dịch bệnh và cũng được do các nhà đầu tư Nhật tại Việt Nam hiện nay cũng tương đối lớn, có thời điểm đứng đầu về số dự án, số vốn.

Lũy kế đến tháng 8/2020, trong 10 đối tác đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, chủ yếu là các nước Á Đông như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Trung Quốc, các quốc gia này có số vốn lũy kế hàng chục tỷ USD ở Việt Nam. Trong khi đó, Hoa Kỳ, Anh, Đức và Pháp chỉ có vỏn vẹn vài ba tỷ USD ở Việt Nam, không nằm trong top 10 đối tác đầu tư lớn.

Về quy mô vốn, hiện Hàn Quốc có số vốn lớn nhất tại Việt Nam, trên 70 tỷ USD vốn đầu tư, Nhật Bản đứng thứ 2 với 60 tỷ USD, Singapore đứng thứ 3 với 55 tỷ USD, Trung Quốc đại lục và Hồng Kông đứng thứ 4 với số vốn tổng cộng hơn 46 tỷ USD.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, các nhà đầu tư châu Âu và Mỹ thường thông qua đối tác thứ 2 để đầu tư vào thị trường châu Á, vì vậy chúng ta thấy xuất hiện nhiều nhà đầu tư của Đài Loan, Singapore nhưng thực chất là công ty của các nhà đầu tư quốc tế.

Vị chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, thông thường khi các công ty con đầu tư làm ăn phát đạt hoặc có lợi nhuận lớn, các công ty mẹ nước sở tại mới tiến hành xem xét việc đặt các chi nhánh tại một số thị trường nhất định. Việt Nam không phải đối tác truyền thống của Mỹ, EU như Thái Lan, Philippines, Singapore nên việc đầu tư số lượng lớn của châu Âu không nhiều là chuyện dễ hiểu.

Theo bà Lan, với việc tham gia vào hàng loạt hiệp định như CPTPP, EVFTA, Việt Nam đang dần cải thiện khả năng cạnh tranh về thu hút FDI đối với các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, ngoài câu chuyện về giảm thuế, mở rộng thị trường hàng xuất khẩu miễn thuế thì Việt Nam còn khá nhiều hạn chế khác cần giải quyết để thu hút vốn châu Âu.

"Đơn cử về đất đai, hạ tầng, hệ thống hành chính, pháp luật cần được cải thiện. Làm ăn với tư bản châu Âu họ cần rõ ràng, tính minh bạch cao và đặc biệt gần đây là môi trường, an toàn và hướng tới con người" - bà Lan phân tích.