Đón sóng FDI: Vui thôi, đừng vui quá!
(Dân trí) - Việt Nam từng đi làm thuê và đã phải trả những cái giá rất đắt khi trở thành nơi gia công cho nước ngoài. Hệ quả việc lạm dụng gia công sẽ khiến con cháu chúng ta sau này phải trả giá rất đắt.
Tại Tọa đàm Việt Nam sẵn sàng đón sóng dịch chuyển vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cơ hội và thách thức vừa được tổ chức chiều 30/6, tại Hà Nội, các chuyên gia về đầu tư, chủ doanh nghiệp Việt đồng loạt lên tiếng về trào lưu đang được dư luận quan tâm là: Dịch chuyển vốn của doanh nghiệp ra khỏi Trung Quốc hướng sang Việt Nam do Thương chiến Mỹ - Trung, do covid-19 và do nền kinh tế Việt Nam mở cửa.
Vui nhưng đừng quá mừng!
Tại Tọa đàm, ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse cho rằng, trước mắt, việc chuyển dịch nhà máy, doanh nghiệp từ Trung Quốc sang Việt Nam khá khó khăn vì lợi thế của Trung Quốc lớn hơn nhiều Việt Nam. Việc dễ nhất đối với doanh nghiệp Việt chính là đón đầu được sự dịch chuyển đơn hàng thay vì kỳ vọng họ chuyển dịch nhà máy sang Việt Nam.
Thẳng thắn nhìn vào đợt dịch chuyển chuỗi cung ứng lần này, ông Phú cho rằng các công ty trên toàn cầu co cụm vì dịch bệnh, việc mở thêm các nhà máy ở Việt Nam cũng là điều khó có thể xảy ra.
Chủ tịch của Sunhouse lập luận: "Khi Việt Nam "chạy" thì các nước còn "chạy" nhanh hơn chúng ta. Vì vậy, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nào thì phải liên tục đổi mới. Còn nếu cứ làm theo kiểu con hát mẹ khen hay thì không bao giờ biết mình đang ở đâu".
Ông Phú cho rằng, hiện nay các quy luật cuộc chơi, thâu tóm ở Việt Nam đang rất khốc liệt, muốn phòng xa doanh nghiệp Việt cần chủ động, tỉnh táo, nắm được quyền kiểm soát và tìm hiểu kỹ thông tin.
Lấy ví dụ chính doanh nghiệp Sunhouse của mình, ông Phú cho biết năm 2003, công ty nhận đầu tư của Hàn Quốc 30% và mình nắm quyền quyết định, sau đó công ty mua lại được thương hiệu và nó trở thành thương hiệu Việt.
Tuy nhiên, sau đó, tại một dự án khác, các nhà đầu tư Hàn đổ vốn 49% nhưng sau đó họ không thực hiện được, cuối cùng chính đại diện của Sunhouse phải mua lại toàn bộ dự án.
"Đây là bài học đau xót về việc kêu gọi vốn, hợp tác kinh doanh" - ông Phú nói và cho biết thời cơ thu hút vốn ngoại vào Việt Nam sắp tới là khá lớn do hội tụ nhiều thế mạnh. Vì vậy, doanh nghiệp Việt cần chủ động và tìm hiểu chuyên sâu trong lĩnh vực thu hút đầu tư bởi thật giả lẫn lộn.
"Việt Nam đang có thuận lợi nhưng ngồi chờ người ta tìm đến mình không dễ. Trên bản đồ thế giới, Việt Nam không phải trung tâm. Chính vì vậy, cần chủ động tìm kiếm, tham gia triển lãm, kết giao với các doanh nghiệp có khả năng thì lúc đó mới phát sinh cơ hội" - ông Phú nhấn mạnh.
Ông này cho rằng, muốn làm gì cũng cần nắm được cốt lõi, nếu chấp nhận gia công cũng chỉ để học hỏi chứ không được an phận.
"Việt Nam từng đi làm thuê và đã phải trả những cái giá rất đắt khi trở thành nơi gia công cho nước ngoài. Những mặt trái của sản xuất, đặc biệt là ô nhiễm môi trường, vẫn đang khiến người Việt phải trả giá", ông Phú nói.
Theo chủ tịch Sunhouse: "Hệ quả việc lạm dụng gia công sẽ khiến con cháu chúng ta sau này phải trả giá đắt, phải xử lý tồn dư hóa chất độc hại trong nước, trong đất từ quá trình này. Khi ấy, chúng ta mới nhận ra cái chúng ta nhận được bây giờ chả đáng là bao", ông Phú nhấn mạnh.
Chuyên gia lo làn sóng dịch chuyển "ảo", mơ hồ
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VFIE): Việt Nam cần tiếp thu luồng vốn mới nhưng có cách tiếp cận khác mới có thể tham gia vào chuỗi giá trị, và cần tham gia vào các chi tiết có hàm lượng công nghệ cao.
Việt Nam đang tham gia ở mức độ khá thấp trong chuỗi cung ứng. Do vậy, cần tham gia vào mọi chuỗi cung ứng toàn cầu mới có thể tạo được thêm phần giá trị gia tăng.
"Làm thế nào để FDI vào Việt Nam thì doanh nghiệp trong nước lớn lên chứ không chỉ làm thuê, thậm chí làm thuê ở phân khúc thấp như hiện nay. Doanh nghiệp Việt Nam phải lớn lên, cạnh tranh ngang ngửa với doanh nghiệp FDI" - ông Toàn nói.
Theo ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần đặt câu hỏi: "Có thực sự có làn sóng này không? Phần lớn bây giờ chúng ta vẫn nghĩ là chúng ta hay quá, chúng ta chiến thắng Covid-19 là chúng ta có hết rồi, cứ thế là người ta vào thôi, mọi thứ không dễ như vậy".
Theo ông này, cách đây vài năm, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bùng nổ, đã có sự chuyển dịch rồi, nhưng chúng ta hay nghĩ là chuyển dịch từ Trung Quốc sang song, những con số thống kê thì không nói vậy.
"Có dễ dàng bốc nhà máy đi ngay được không? Hiện giải thể một doanh nghiệp không thôi đã mất rất nhiều thời gian rồi. Còn thanh lý, còn bao nhiêu vấn đề khác, nên trong năm 2020 thì không chắc là dòng vốn từ Trung Quốc sẽ sang ngay mình" - ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, sử dụng "người ta" nhưng Việt Nam nên ý thức phải xây dựng được nền kinh tế tự lực, tự cường: Ba mươi năm qua Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào thị trường bên ngoài, thị trường này chi phối đời sống của rất nhiều thành phần kinh tế Việt Nam, kể cả cá nhân và doanh nghiệp.
Nguyễn Tuyền