Việt Nam học Trung Quốc, Ả rập và Singapore xây đặc khu kinh tế?

(Dân trí) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có báo cáo tổng hợp kinh nghiệm quốc tế về xây dựng, phát triển mô hình đặc khu kinh tế điển hình là Trung Quốc, các Tiểu vương quốc Ả Rập và Singapore để làm căn cứ xây dựng các đặc khu kinh tế (KKT) tại Việt Nam.

Ba đặc khu kinh tế tại Việt Nam được xác định là: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) đã được Chính phủ thống nhất giao Bộ KH&ĐT là cơ quan nghiên cứu cơ chế, chính sách để trình Chính phủ, Quốc hội thông qua. Được biết tại Kỳ họp thứ 5 năm 2018, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật Đơn vị hành chính - Kinh tế đặc biệt, cho việc xây dựng các đặc khu này phát triển.

Đặc khu Trung Quốc là hình mẫu thành công

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, thế giới hiện có 3 loại hình đặc khu là KKT tự do có tính chất thương mại; KKT tự do có tính chất công nghiệp và các KKT tự do có tính chất tổng hợp.

Đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang), một trong 3 địa điểm Việt Nam chọn lựa xây dựng đặc khu kinh tế với nhiều cơ chế, chính sách đột phá.
Đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang), một trong 3 địa điểm Việt Nam chọn lựa xây dựng đặc khu kinh tế với nhiều cơ chế, chính sách đột phá.

Bộ KH&ĐT khẳng định, mô hình đặc khu kinh tế của Trung Quốc được xem là thành công bởi từ năm 1980, nước này đã có 5 đặc khu kinh tế, đến nay đã phát triển ra 14 thành phố ven biển của Trung Quốc. Từ năm 2010 Trung Quốc điều chỉnh chính sách tập trung phát triển một số khu vực với mô hình, chính sách mở cửa, tự do hóa và đột phá hơn trước. Điều này khiến Trung Quốc đã hình thành được các đặc khu chuyên biệt như: dịch vụ, tài chính, công nghiệp sản xuất và nông nghiệp như: Thâm Quyến, Thượng Hải, Hồng Kông, Chu Hải, Hải Nam...

Với Hàn Quốc, nước này đã đi qua thời kỳ phát triển đặc khu mà chuyển sang phát triển các khu kinh tế tự do từ năm 2003. Hiện nước này có 8 khu kinh tế tự do. Các khu kinh tế tự do hiện trở thành đầu mối của thế giới về dịch vụ, du lịch và giải trí, dịch vụ logistics hàng không, cảng biển, công nghệ sinh học, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ mới...

Đối với các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Bộ KH&ĐT khẳng định, UAE là liên hiệp nổi tiếng với việc áp dụng chính phủ điện tử hiện đại, làng tri thức. Ốc đảo Silicon được mệnh danh là quốc gia phi thuế quan và có kết cấu hạ tầng tốt nhất khu vực Trung Đông.

“Từ năm 1985, UAE đã thành lập khu tự do đầu tiên với vai trò là động lực để đa dạng hóa nền kinh tế. Hiện nay, UAE có tổng số 45 khu tự do, trong đó 26 khu ở Dubai với các hoạt động chủ yếu là các dịch vụ và thương mại với 100% vốn sở hữu nước ngoài", Báo cáo của Bộ KH&ĐT chỉ rõ.

Theo Bộ KH&ĐT, Singapore hiện có 9 khu thương mại tự do và được đây coi là hình mẫu đi đầu và thành công nhất của các nước ASEAN. Các khu này được thành lập gắn với việc phát triển cảng biển và thu hút đầu tư nước ngoài với chính sách đặc biệt ưu đãi về thuế, tự do chuyển lợi nhuận về nước, nhà đầu tư có quyền cư trú và trong một số trường hợp được hưởng quyền công dân nếu đáp ứng điều kiện đầu tư.

Việt Nam đi sau, tụt hậu về cơ chế đặc khu?

Đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc) là mô hình đặc khu kinh tế tổng hợp thành công trên thế giới
Đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc) là mô hình đặc khu kinh tế tổng hợp thành công trên thế giới

Các nước còn lại như Indonesia năm 2009 đã ban hành Luật đặc khu kinh tế và đến nay đã thành lập 10 đặc khu kinh tế ở khu vực ven biển với trở thành điểm đến đầu tư chính ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và cạnh tranh quốc tế. Myanmar năm 2014 đã thông qua Luật đặc khu kinh tế để áp dụng cho 3 đặc khu kinh tế nhằm thu hút các nhà đầu tư đến với đất nước đang mở cửa rộng rãi.

Theo Bộ KH&ĐT, thành công của các mô hình đặc khu của thế giới đều ở điểm chung là các nước đều có: Luật điều chỉnh riêng áp dụng chung cho một số đặc khu kinh tế hoặc Luật riêng áp dụng cho 1 đặc khu kinh tế. Ngoài ra, muốn xây dựng các đặc khu thành công, cần phải có sự hỗ trợ đầu tư của Chính phủ về cơ chế chính sách, quy hoạch. Bên cạnh đó, bộ máy quản lý hành chính tinh gọn và hiệu quả, hiện đại.

Tại buổi gặp gỡ báo chí gần đây, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Các mô hình đặc khu của thế giới đã phát triển từ lâu với nhiều thành công và thất bại khác nhau. Việc nghiên cứu xây dựng cơ chế đất đai, thuế và chính sách của các đặc khu cần phải rút kinh nghiệm từ quốc tế cũng như nghiên cứu các bài học về phát triển của các mô hình thành công hiện nay.

Ông Dũng chia sẻ: Hiện thế giới đã đi qua thời phát triển các đặc khu kinh tế chỉ dựa vào một hoặc một vài chức năng: công nghiệp - công nghệ hay dịch vụ - tài chính. Mô hình phát triển của các đặc khu hiện nay là khu kinh tế mở đa ngành, đa lĩnh vực, khu kinh tế tự do, phi thuế quan... Điều đó mới có sức hút về cơ chế để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, cạnh tranh với các đặc khu kinh tế trên thế giới và là điều kiện để mô hình đặc khu thành công.

Nguyễn Tuyền