Việt Nam - EU hợp tác về Bảo hộ giống cây trồng

(Dân trí) - Với mục tiêu tăng cường năng lực bảo hộ giống cây trồng tại Việt Nam, Cơ quan Bảo hộ giống cây trồng Liên minh châu Âu (CPVO) và Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ tại Hà Nội, ngày 19/5.

Thỏa thuận này là một bước tiến lớn thúc đẩy hợp tác giữa EU và Việt Nam trong nông nghiệp - một ngành rất quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam. Thỏa thuận tạo điều kiện hợp tác giữa hai cơ quan thông qua trao đổi kết quả thẩm định kỹ thuật và vật liệu cây trồng nhằm giúp tránh lặp lại việc thẩm định và giám sát việc sử dụng các báo cáo về tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định (báo cáo kết quả khảo nghiệm DUS).

Việc hợp tác trong thẩm định đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng giúp cả hai bên tiết kiệm thời gian từ nộp đơn đến cấp bằng bảo hộ cũng như tài chính và nguồn nhân lực trong hệ thống bảo hộ giống cây trồng.
Việt Nam - EU hợp tác về Bảo hộ giống cây trồng - 1

Ông Bark Kiewiet, Chủ tịch CPVO và Cục trưởng Cục Trồng trọt, ông Nguyễn Trí Ngọc - đại diện cho Cơ quan bảo hộ giống cây trồng Việt Nam - đã ký Biên bản ghi nhớ.

Chủ trì lễ ký kết, ông Sean Doyle, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam - phát biểu: “Quyền sở hữu trí tuệ bao gồm cả quyền bảo hộ giống cây trồng rất quan trọng, đặc biệt là với một đất nước có ngành nông nghiệp mạnh như Việt Nam.

Quyền bảo hộ giống cây trồng hướng tới mục đích khuyến khích sự phát triển những  giống cây trồng mới, vì lợi ích cộng đồng. Với thỏa thuận được ký kết này chúng tôi hi vọng hợp tác trong lĩnh vực này giữa Việt Nam và EU sẽ chặt chẽ hơn.”

Tại buổi lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng khẳng định, những giống cây trồng mới đóng góp một phần quan trọng giúp nâng cao chất lượng và năng suất nông nghiệp. Bảo hộ giống cây trồng (bảo hộ quyền tác giả giống cây trồng) khuyến khích việc chọn tạo và giới thiệu giống cây trồng mới vào sản xuất nông nghiệp.

“Hợp tác thẩm định đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng (PVP) với các quốc gia thành viên sẽ giúp cho Việt Nam tăng cường năng lực của Hệ thống PVP và đây là cách tốt nhất để Việt Nam thực hiện hoàn toàn nghĩa vụ thành viên của Công ước UPOV vào năm 2016 - Bảo hộ giống của tất cả các loài cây trồng.” - Thứ trưởng Bổng cho biết thêm.

Việc tăng cường hợp tác giữa CPVO và Việt Nam được hỗ trợ bởi dự án ASEAN về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ III (ECAP III). Dự án, do EU và Cơ quan Sáng chế châu Âu tài trợ, ngoài những việc khác, đã tạo điều kiện cho một đoàn các cán bộ chức năng của Việt Nam tới thăm trụ sở của CPVO tại Angers, Pháp để làm quen với các mặt hành chính và  kỹ thuật của việc quản lý hệ thống bảo hộ giống cây trồng.

Biên bản ghi nhớ này là kết quả trực tiếp của chuyến thăm làm việc tại châu Âu, do dự án ASEAN về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ III (ECAP III) tổ chức năm 2010, về thực hành tốt và quản lý bảo hộ giống cây trồng.

Thảo Nguyên