Việt Nam đứng trong nhóm các nước tham nhũng được cho là nghiêm trọng
(Dân trí) - Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2016 của Tổ chức minh bạch Quốc tế (TI) dựa trên cảm nhận của doanh nhân và chuyên gia về tham nhũng trong khu vực công cho thấy, Việt Nam được 33/100 điểm, đứng thứ 133/176 trên bảng xếp hạng toàn cầu, nằm trong nhóm các nước mà tham nhũng được cho là nghiêm trọng.
Đó là những con số mà các diễn giả đã đưa ra trong Hội thảo “Thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính tại Việt Nam thông qua hành động tập thể” diễn ra sáng nay (12/4) tại Hà Nội.
Theo Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu (GCB) 2016 đánh giá quan điểm và trải nghiệm của người dân Việt Nam về tham nhũng, 38% người được hỏi cho rằng lãnh đạo doanh nghiệp (DN) là một trong ba nhóm có mức độ tham nhũng cao nhất bên cạnh nhóm cán bộ thuế và cảnh sát (lần lượt là 48% và 57%).
Tình trạng tham nhũng tại Việt Nam đã và đang ngày càng phổ biến, đe dọa tới sự phát triển bền vững của nền kinh tế, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với đời sống xã hội.
Trong nhiều năm gần đây, Nhà nước đã thể hiện rõ quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh thông qua các biện pháp như cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng. Tuy nhiên, các nỗ lực này chưa đạt hiệu quả cao do mới chỉ giới hạn trong lĩnh vực đăng kí thành lập doanh nghiệp, thủ tục đầu tư…
Vì thế, nhằm nỗ lực hỗ trợ các DN nhỏ và vừa, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã triển khai Đề án 12 với mục tiêu, hỗ trợ thúc đẩy cộng đồng DN cùng hợp tác hành động thực hiện liêm chính trong kinh doanh (gồm cả DN trong nước và nước ngoài) cùng hợp tác hành động, thực hiện liêm chính trong kinh doanh trong giai đoạn từ năm 2015 – 2019.
Bà Đinh Thị Bích Xuân, Điều phối viên Đề án 12 cho biết: “Nguyên tắc hoạt động của Đề án dựa trên 3 định hướng: Thúc đẩy xây dựng, áp dụng các tiêu chuẩn, thông lệ tốt trong doanh nghiệp; tăng cường chủ động hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước và các tổ chức xã hội dân sự trong phòng chống tham nhũng. Đồng thời, đề xuất với chính phủ hoàn thiện các quy định chính sách pháp luật và cải cách thể chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp.”
Trao đổi về lý do vì sao hành động tập thể quan trọng trong việc thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh, bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quản trị xã hội (CENSOGOR) cho rằng, doanh nghiệp được nhìn nhận đóng vai trò như một “mắt xích kép” trong thực trạng tham nhũng hiện nay. Cụ thể, doanh nghiệp vừa là nạn nhân nhưng cũng vừa là tác nhân gây ra tình trạng tham nhũng.
Dẫn chứng cho điều này, bà Viễn cho biết, có đến 66% doanh nghiệp dân doanh trong nước đã phải chi trả các chi phí không chính thức và 59% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) phải trả chi phí chính thức khi làm thủ tục hải quan tại Việt Nam. Đồng thời, 61,5% doanh nghiệp có hành vi biếu tiền và hầu như tất cả các doanh nghiệp đều có hành vi “lại quả” cho đối tác.
“Hình ảnh lãnh đạo doanh nghiệp đang bị đi xuống trong con mắt của người dân Việt Nam. Đã có đến 38% người dân Việt Nam khi được hỏi đã đánh giá rằng, các lãnh đạo doanh nghiệp là 1 trong 3 nhóm đối tượng tham nhũng nhiều nhất”, bà Viễn cho biết.
Trước những thực trạng kể trên, trong những năm gần đây, Chính phủ đã có cái nhìn tích cực hơn về vai trò của DN, từ đó khuyến khích các DN áp dụng các biện pháp phòng chống tham nhũng với những quy mô khác nhau. Xuất phát từ chính trong nội bộ doanh nghiệp, cũng như phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan chức năng cùng hành động để đẩy mạnh hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng.
Thế Hưng