"Việt Nam đang điều chỉnh lãi suất quá nhanh"

(Dân trí) - Theo WB, mặc dù giảm lãi suất là yêu cầu thực tế để giúp khối doanh nghiệp tăng khả năng hấp thụ vốn cũng như tăng khả năng luân chuyển dòng tiền song việc điều chỉnh quá nhanh sẽ gây nên những tác động tiêu cực đối với tăng trưởng của nền kinh tế.

Chiều 28/5, tham gia trao đổi về nội dung Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, ông Depark Mistra đã trao đổi với báo giới một cái nhìn khác của phía nhà tài trợ cho Chính phủ đối với những chính sách thời gian vừa qua.

Theo đó, ông Mistra “chê” Nghị quyết 11 dù có nhiều thành tựu song vẫn chưa hoàn hảo. Trước hết là sự cân bằng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Việt Nam tập trung quá nhiều vào chính sách tiền tệ, trong khi đó, tại chính sách tài khóa,quá trình thực hiện không được làm rõ.

Ông Mistra cho rằng, nhất thiết chính sách phải được tuyền thông một cách hiệu quả hơn và phải làm minh bạch hóa quá trình thực hiện. Chẳng hạn, ở chính sách cắt giảm chi phí, đã thấy giảm song chưa rõ ràng.

Ở nội dung cải cách các doanh nghiệp nhà nước và kiểm toán, ông Mistra tỏ ra e ngại vì cho rằng, các hoạt động này chưa được thực hiện thấu đáo trong Nghị quyết 11 vừa qua.

Cũng theo ông, Việt Nam còn phụ thuộc quá nhiều vào sử dụng những biện pháp hành chính, như áp mức trần lãi suất tiền gửi, lãi suất cho vay mà không dựa vào công cụ thị trường.

Việt Nam đang điều chỉnh lãi suất quá nhanh

Điều hành chính sách của Việt Nam còn dựa quá nhiều vào công cụ hành chính (ảnh: B.D)

Bàn về chính sách giảm lãi suất, ông Mistra đánh giá, mặc dù đây là yêu cầu thực tế để giúp khối doanh nghiệp tăng khả năng hấp thụ vốn cũng như tăng khả năng luân chuyển dòng tiền, tuy nhiên, ông cũng bày tỏ lo ngại, việc lãi suất đang được điều chỉnh quá nhanh sẽ gây nên những tác động tiêu cực đối với tăng trưởng của nền kinh tế.

 

Ông nói, chúng tôi hy vọng việc giảm lãi suất, nới lỏng tiền tệ sẽ được làm đúng cách để không phải hy sinh những thành quả đã đạt được như ổn định vĩ mô, đảm bảo năng suất tăng trưởng”.

 

Cụ thể, hồi đầu năm, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, lộ trình giảm lãi suất căn cứ vào tình hình lạm phát sẽ là 1% mỗi tháng.

 

Tuy nhiên, “lời hứa” này của người đứng đầu cơ quan tiền tệ có vẻ được thực hiện một cách dồn dập hơn. Lần giảm ngày hôm qua (28/5) đối với các mức lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động là đợt giảm lãi suất lần thứ 3 chỉ trong vòng hơn 2 tháng – đi được 3/4 lộ trình để đến 10% vào cuối năm như Thống đốc nói.

 

Trên thực tế, tình hình lạm phát ở Việt Nam đã giảm sâu hơn dự kiến và đứng trước nguy cơ thiểu phát, kinh tế đang phải vượt qua những dấu hiệu của suy thoái. Vì vậy, chính sách điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước đã chuyển hướng theo lạm phát mục tiêu – cuối năm dự kiến 7-8%. Vì vậy, thời gian tới, theo như chỉ đạo của Chính phủ cũng như định hướng điều hành là sẽ tiếp tục giảm lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát.


Ở một góc độ khác, một số chuyên gia lại cho rằng, căn cứ vào tình hình lạm phát hiện tại và kỳ vọng lạm phát vào cuối năm, Chính phủ thậm chí có thể hạ lãi suất "mạnh tay" mỗi lần 2-3% mà vẫn giữ được lãi suất thực dương, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền.

Bàn về chỉ tiêu lạm phát của Việt Nam, theo nhận định của đại diện WB, trong dài hạn và trung hạn nên ở mức khoảng 5% nhưng không nhất thiết phải thực hiện ngay lập tức mà phải 2-3 năm tới. Còn trong ngắn hạn, tức năm 2012 này, lạm phát nên kiềm giữ ở 8-9% là phù hợp.

Bích Diệp