Lãi suất sẽ còn giảm tiếp!

(Dân trí) - Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cho biết, từ nay đến cuối năm, lãi suất sẽ còn giảm và việc điều hành lãi suất sẽ căn cứ vào lạm phát mục tiêu, dự kiến 7-8%.

Trả lời câu hỏi của Dân trí tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 tổ chức chiều nay, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Đồng Tiến cho biết, định hướng điều hành của cơ quan này trong thời gian tới sẽ vẫn tiếp tục theo hướng hạ dần mặt bằng lãi suất phù hợp với giảm của lạm phát.
 
Lãi suất sẽ còn giảm tiếp!
Hạ lãi suất được kỳ vọng là một trong những "liều thuốc" cứu DN trong giai đoạn khó khăn (Ảnh: Q.Đ)

Điểm đáng lưu ý ở đây lãi suất sẽ được điều hành theo lạm phát mục tiêu từ 7-8%.

Mới đây, NHNN cũng đã có thông báo, kể từ ngày mai, 28/5, các mức lãi suất chính sách và trần lãi suất huy động sẽ đồng loạt giảm thêm 1%. Đây là mức giảm cần thiết trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp đang khó khăn trong huy vốn đầu vào cũng như giải quyết đầu ra hiện nay.

Tuy nhiên, như trước đó Dân trí đã đưa tin, có nhiều ý kiến cho rằng, với mức lãi suất hiện tại và kỳ vọng lãi suất sẽ xuống thấp vào cuối năm, tại thời điểm hiện tại, NHNN hoàn toàn đã có thể “mạnh dạn” hơn với mức hạ mỗi lần là 2%/năm.

NHNN cũng đã được chỉ đạo có biện pháp quyết liệt xử lý nợ xấu , trước hết là nợ xấu giữa các ngân hàng và có biện pháp cơ cấu lại nợ, giãn nợ… cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệ có tiềm năng kinh doanh tốt, nhưng đang khó khăn tạm thời nhằm khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế.

Tăng trưởng tín dụng mỗi tháng hơn 2% - liệu có thể?

Theo thống kê của Chính phủ, từ tháng 3/2011 đến nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã liên tục giảm và có tốc độ tăng thấp nhấp so với cùng kỳ các năm trước. Cụ thể, so với tháng trước, CPI tháng 1 tăng 1%, tháng 2 tăng 1,37%, tháng 3 tăng 0,16%, tháng 4 tăng 0,05% và tháng 5 tăng 0,18%. So với tháng 12/2011, CPI tháng 5 tăng 2,78%, thấp nhất trong 3 năm.

Trong khi đó, tổng phương tiện thanh toán (M2) ước tăng 4,47% và tổng dư tiền gửi của khách hàng tài các tổ chức tín dụng tăng 5,42% cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng ngày càng tốt lên.

Song, như Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nhìn nhận, dù đã có những tín hiệu tích cực về thanh khoản và lãi suất như vậy, song tăng trưởng tín dụng vẫn âm. Trong khi đó, dư địa cho thực hiện mục tiêu 15-17% cả năm là còn rất lớn, thời gian 7 tháng còn lại sẽ đưa vào sử dụng “quota” này.

“Dù vậy, không phải chúng ta chạy theo mục tiêu này mà đánh mất đi mục tiêu dài hạn” (không để lạm phát trở lại trong những năm tiếp theo) – Bộ trưởng Đam lưu ý.

Ông nói, bây giờ tập trung bơm tiền từ hệ thống ngân hàng ra nền kinh tế, dư địa tín dụng còn lớn hơn 2%/tháng, nhưng bơm vào đâu? Lãi suất vẫn phải tiếp tục giảm, tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là doanh nghiệp vẫn khó khăn, vẫn thiếu vốn. Vốn trong ngân hàng là không thiếu. Vấn đề là tháo gỡ cho những doanh nghiệp nào, ngành nghề nào phù hợp với tái cơ cấu doanh nghiệp và tái cơ cấu nền kinh tế.

Bộ trưởng đồng thời nhấn mạnh, việc hiện nay là cần nhìn thẳng vào khó khăn của các doanh nghiệp: lãi suất cao chỉ là một rào cản, nhiều doanh nghiệp không dám vay vì chi phí vốn lớn, nhưng cũng có những doanh nghiệp dám vay song do nợ xấu nên không đáp ứng được điều kiện tín dụng của phía ngân hàng. Đó là một bài toán mà cơ quan điều hành phải tập trung làm rõ, tháo gỡ.

Doanh nghiệp nào đi đúng hướng sẽ được hỗ trợ!

Chủ trương là “phải làm cho các doanh nghiệp sử dụng các tài nguyên đất nước (vô hình và hữu hình) một cách hiệu quả hơn, ai làm tốt thì phải tạo điều kiện. Tái cơ cấu bây giờ làm sao hướng vào yếu tố tăng năng suất, sử dụng được khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại. Những doanh nghiệp nào đi đúng hướng như vậy sẽ được tập trung tháo gỡ khó khăn” – trích lời Bộ trưởng.

Khẳng định gói giải pháp mà Bộ Tài chính trình lên không phải là một gói kích cầu, ngườ hát ngôn Chính phủ cho hay, cơ quan điều hành đã giao Bộ Tài chính tiếp tục giải trình ra Quốc hội để thực hiện gói giải pháp. Dự kiến, bên cạnh chính sách tiền tệ, Chính phủ sẽ tiếp tục xin Quốc hội thông qua giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT.

Cuối cùng, ông nói, Chính phủ khẳng định không có ý định đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi những chỉ tiêu kinh tế - xã hội trước đó đã đặt ra.

Bích Diệp