Việt Nam còn 22 tỷ USD vốn ODA chưa giải ngân
(Dân trí) - Trong 22 tỷ USD vốn ODA cam kết cho Việt Nam, có 2,15 tỷ USD sẽ phải giải ngân trước năm 2016. Hiện tại, các bộ ngành đang nỗ lực tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân ODA.
Trong một báo cáo công bố gần đây, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho hay, tính đến hết năm 2015, vốn ODA đã ký nhưng chưa giải ngân hiện còn khoảng 22 tỷ USD. Điều này dấy lên những lo ngại về hiệu quả sử dụng vốn ODA của Việt Nam.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng xác nhận con số này và cho biết, hiện còn khoảng 22 tỷ USD đã ký kết đang trong quá trình thực hiện.
Trong khi đó, tổng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài đã được giải ngân lũy kế đến tháng 5/2016 đạt khoảng 71% tổng vốn ODA ký kết.
Trao đổi với báo giới, ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính khẳng định, Bộ Tài chính luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) trong khi chuẩn bị các bước triển khai giải ngân dự án làm sao nhanh nhất có thể.
“Chúng tôi đã nghe ý kiến các đại diện đơn vị bộ ngành địa phương, chủ dự án để xem vướng mắc khi thực hiện dự án là gì nhằm hoàn thiện Thông tư hướng dẫn Nghị định 16 của Chính phủ", ông Hải cho biết.
“Mục tiêu quan trọng nhất là đơn giản hóa thủ tục hành chính và cơ chế tài chính thực sự là rõ ràng, đảm bảo khi dự án được triển khai thì ngay từ khâu hình thành ý tưởng đã từng bước có cơ chế tài chính cho dự án. Đến khi dự án chính thức được phê duyệt sẽ triển khai thực hiện ngay lập tức, tránh tình trạng vốn bị chậm”, đại diện Bộ Tài chính cho hay.
Việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân sẽ giúp Việt Nam giảm chi phí cơ hội cũng như tránh lãng phí nguồn lực trong điều kiện sang năm 2017, Việt Nam có khả năng sẽ không còn được nhận nguồn vốn vay ODA ưu đãi từ World Bank, chi phí vay vốn tăng.
Ông Hải đồng thời lưu ý rằng, luôn có sự chênh lệch đáng kể giữa con số cam kết của các nhà tài trợ và khoản giải ngân thực tế. Trong vài năm trở lại đây, trung bình mỗi năm Việt Nam giải ngân được khoảng 5 tỷ USD vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi.
Còn theo thông tin từ người phát ngôn của Văn phòng Chính phủ, ông Mai Tiến Dũng, trong 22 tỷ USD vốn ODA cam kết, có 2,15 tỷ USD sẽ phải giải ngân trước năm 2016, còn lại sẽ giải ngân cho những dự án đã có kế hoạch giải ngân theo lộ trình đến năm 2020 và nhiều dự án sau năm 2020.
Ông Dũng khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục quyết liệt chỉ đạo đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA phải thực hiện giải ngân theo đúng tiến độ đã cam kết trong hiệp định, bảo đảm sử dụng vốn hiệu quả.
Bích Diệp