Việt Nam có phá giá tiền đồng?
(Dân trí) - Sau khi NHNN “nới” biên độ tỷ giá, một số ý kiến lo ngại rằng, Việt Nam đang phá giá tiền đồng. Trả lời rõ hơn vấn đề này, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay: “Việc điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá thêm +/-1% sẽ tạo sự linh hoạt cho thị trường”.
Điều chỉnh để tạo sự linh hoạt cho thị trường
Sáng nay 13/8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tiếp tục điều chỉnh tỷ giá tham chiếu thêm 1,1% sau khi đã giảm lần lượt 1,9% và 1,6% vào 2 ngày trước đó. Tỷ giá tham chiếu của đồng nhân dân tệ hiện ở mức 6,4010 nhân dân tệ/USD.
Như vậy, đây là ngày thứ 3 liên tiếp, Trung Quốc điều chỉnh giảm tỷ giá tham chiếu đồng nhân dân tệ. Đồng tiền này đã giảm tổng cộng 4,6% trong những ngày qua.
Ngay sau ngày đầu tiên Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá tham chiếu đồng nhân dân tệ 1,9%, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ mức +/-1% lên +/-2%, có hiệu lực từ 12/8.
Trả lời về động thái “nới” biên độ tỷ giá, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: Từ đầu năm đến nay, trên thị trường quốc tế có nhiều diễn biến nằm ngoài dự báo của các tổ chức quốc tế và trong nước, chẳng hạn như giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, sự cộng hưởng của việc FED dự kiến tăng lãi suất, sự suy thoái của kinh tế châu Âu và cuộc khủng hoảng kinh tế Hy Lạp đã làm cho đồng USD tăng giá cao hơn nhiều so với dự kiến của Fed.
Ngay từ đầu năm, NHNN cũng đã dự báo sẽ có những diễn biến bất thường ảnh hưởng bất lợi đến tỷ giá, xuất khẩu của nước ta nên NHNN đã chủ động điều chỉnh giảm giá đồng Việt Nam 2%. Do vậy, thị trường ngoại hối và tỷ giá về cơ bản là ổn định trong hơn 7 tháng qua. Tuy nhiên việc CNY được điều chỉnh giảm 1,9% trong ngày 11/8/2015, là mức giảm giá mạnh nhất trong vòng 2 thập kỷ qua, là một cú sốc mới từ bên ngoài, kéo theo một loạt đồng tiền châu Á chủ chốt khác cũng như chỉ số giá trên thị trường hàng hóa quốc tế sụt giảm.
Sau khi NHNN “nới” biên độ tỷ giá, một số ý kiến lo ngại rằng, Việt Nam đang phá giá tiền đồng. Trả lời rõ hơn vấn đề này, bà Hồng cho hay: “Việc điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá thêm +/-1% sẽ tạo sự linh hoạt cho thị trường. Bởi vậy, việc nới rộng biên độ tỷ giá là động thái phù hợp, giúp tỷ giá linh hoạt hơn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và đối phó tốt hơn với rủi ro và bất ổn của thị trường quốc tế”.
Do vậy, trong thời gian tới, NHNN sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách để tiếp tục ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong biên độ quy định, theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, các dự báo kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều hành chính sách một cách phù hợp.
Đánh giá về nguyên nhân sâu xa việc phá giá nhân dân tệ NDT của Ngân hàng trung ương Trung Quốc, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng: Thông thường, một ngân hàng trung ương khi chủ trương phá giá đồng tiền của họ một cách tương đối mạnh đều nhằm mục tiêu quan trọng nhất là lập lại cân bằng kinh tế vĩ mô, trước hết là cân bằng về ngân sách.
Khi phá giá đồng tiền thì thường có lợi cho ngân sách, tức có sự chênh lệch nhất định giữa khoản thu ngân sách tính ra đồng nội tệ và tính ra đồng ngoại tệ và chi ngân sách tính ra đồng ngoại tệ. Thứ hai, phá giá đồng tiền cũng làm cho lương thực tế của những người làm công ăn lương giảm đi, như vậy cũng có lợi cho các doanh nghiệp. Đặc biệt những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Thứ ba, họ muốn lập lại cân bằng của cán cân vãng lai dài hạn. Họ dự đoán Trung Quốc có những thay đổi căn bản về mặt cấu trúc nên họ phải tính toán trước. Ngoài ra, họ dự định tái cấu trúc nền kinh tế dựa vào thị trường nội địa, nhưng hướng đó có vẻ thất bại vì thị trường nội địa của họ chưa đủ lớn để hấp thụ được toàn bộ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc hiện nay.
“Vì thế, họ quay lại hướng cũ là dựa vào xuất khẩu, đương nhiên họ phải phá giá NDT để có lợi cho xuất khẩu của họ. Phá giá đồng tiền cũng tác động mạnh đến những sản phẩm có tính thương mại, không ảnh hưởng lắm đến hàng hoá trên thị trường nội địa, như vậy kích thích được cả hai: giữ ổn định thị trường nội địa vừa kích thích được xuất khẩu. Đó là ý tưởng dài hạn của họ”, ông Nghĩa bình luận.
Đồng tiền này đã giảm tổng cộng 4,6% trong những ngày qua.
Cũng theo ông Nghĩa, Trung Quốc đang đứng trước các sức ép ngắn hạn như đồng đôla tăng giá (dự kiến có thể tăng hơn do FED có thể tăng lãi suất), thương mại quốc tế đang ở những điểm đáy của tăng trưởng, họ làm trước việc điều chỉnh tỷ giá để đón trước sự phục hồi của thương mại quốc tế, ngoài ra việc giá dầu giảm cũng ảnh hưởng đến cán cân vãng lai của họ.
“Như vậy, có thể thấy, việc điều chỉnh tỷ giá của Trung Quốc là bài toán tốt về dài hạn cho Trung Quốc”, TS.Nghĩa nhấn mạnh.
Lo ngại chiến tranh tiền tệ?
Đề cập tới việc giảm giá đồng nhân dân tệ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam (như nhập siêu, dòng vốn đầu tư), ông Nghĩa cho rằng, có hai xu hướng ảnh hưởng: ảnh hưởng lớn nhất là xuất khẩu của VN vào Trung Quốc.
Cụ thể, hàng hóa Việt Nam trở nên đắt hơn tại Trung Quốc, sức cạnh tranh của hàng Việt Nam tại Trung Quốc giảm, ảnh hưởng nhất định đến xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng những nhà nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc lại được lợi.
“Ta đang nhập khẩu nhiều công nghệ, thiết bị từ Trung Quốc. Tuy nhiên nếu xuất khẩu sang các nước châu Á thì bất lợi vì không chỉ Trung Quốc, các nước châu Á khác cũng buộc phải phá giá đồng tiền, do đó ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể tăng lên. Việc điều chỉnh này của Trung Quốc chưa có ảnh hưởng lớn đến dòng vốn đầu tư”, vị chuyên gia này cảnh báo.
Sau điều chỉnh của Ngân hàng Trung uơng Trung Quốc, các ngân hàng trung ương ở châu Á cũng có động thái phá giá đồng nội tệ, liệu có lo ngại về cuộc chiến tranh tiền tệ? Theo ông Nghĩa, “thị trường chứng khoán toàn cầu cũng có sự sụt giảm mạnh sau quyết định điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc. Nếu Mỹ phản ứng lại căng thẳng thì nguy cơ dẫn đến chiến tranh tiền tệ là có thực. Có thể Mỹ sẽ điều chỉnh tỷ giá sớm hơn dự kiến”.
Nguyễn Hiền