Việt Nam chưa có nền kinh tế tri thức đầy đủ!?

(Dân trí) - Chỉ một vài doanh nghiệp lớn (DN) của Việt Nam chủ động đi vào nền kinh tế tri thức còn đa phần các DN vẫn “chìm đắm” trong tư duy cũ, cách làm cũ khiến nền công nghiệp Việt Nam còn khoảng cách khá xa đối với nền kinh tế tri thức trên thế giới.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Tại Hội thảo “Vai trò của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam” ở Hà Nội sáng ngày 31/3, nhiều chuyên gia, học giả và các lãnh đạo doanh nghiệp (DN) tán đồng quan điểm: 

Việt Nam cần ưu tiên phát triển nền kinh tế tri thức như một điều kiện sống còn trong thế giới đang vận động rất mau lẹ. Kinh tế tri thức còn là điều kiện để Việt Nam tồn tại, cạnh tranh và thoát khỏi cái rốn nghèo của khu vực vốn đeo đuổi bấy lâu. Việt Nam chưa có nền kinh tế tri thức hay cụ thể hơn là chỉ một vài DN, ngành đã và đang đi sâu vào kinh tế tri thức bằng cách đi tắt đón đầu và ngang bằng với trình độ của thế giới như: điện tử viễn thông, hóa dược và vật liệu xây dựng.

Việt Nam chưa có nền kinh tế tri thức đầy đủ!?

Việt Nam cần tăng tốc để đưa nền kinh tế chuyển đổi sang kinh tế tri thức nhanh hơn.

Nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam có quá nhiều lợi thế để đi tắt đón đầu, đưa đất nước thoát nghèo, chuyển mình sang đất nước có nền kinh tế tri thức. Người Việt Nam thông minh, cần cù và sáng tạo. Nhiều DN Việt Nam thời gian qua đã rất thành công khi dám đi tắt, đón đầu vào công nghệ nguồn để cho ra những sản phẩm số 1 thế giới. Nước ta có hàng vạn kỹ sư, tiến sĩ và các nhà khoa học giỏi. Điều kiện tự nhiên ưu đãi và quá trình mở cửa rộng rãi đối với thế giới cho phép Việt Nam tiếp cận công nghệ nguồn….

Tuy nhiên, trên thực tế Việt Nam vẫn chưa được xem là nền kinh tế tri thức, mô hình này vẫn còn khoảng cách khá xa mà Việt Nam phải nỗ lực lắm mới có thể rút ngắn được. T.S Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): “Không so đâu xa mà chỉ cần so với chính các nước ASEAN, Việt Nam cũng đã thua họ về các nền kinh tế tri thức rồi. Cùng xuất phát điểm như nhau nhưng hiện nay Việt Nam còn cách khá xa so với các nước ASEAN 6 (Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philipines, Indonesia, Brunei)”.

Dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) về xếp hạng chỉ số kinh tế tri thức (KEI) của Việt Nam, T.S Hồ chỉ rõ: Việt Nam vẫn thuộc nhóm trung bình thấp với điểm số 3,4 điểm trong khi điểm trung bình là 5 điểm. Năm 2012, Việt Nam chỉ sếp hạng 104/146 nước và lãnh thổ được điều tra về chỉ số KEI.

Về Chỉ số Sáng tạo Toàn cầu (GII) năm 2011, Việt Nam đứng thứ 51 trong 125 quốc gia. Năm 2012, Việt Nam tụt xuống thứ 76/141 quốc gia. Theo các tác giả, nếu xét theo 12 trụ cột, ba giai đoạn phát triển của các nền kinh tế của (học giả M.Porter), giai đoạn đầu phát triển dựa vào các yếu tố, giai đoạn 2 dựa vào hiệu quả, giai đoạn 3 dựa vào sáng tạo và kinh doanh tinh vi - kinh tế tri thức, thì Việt Nam vẫn đang giậm chân tại chỗ giai đoạn 1. Nếu so sánh với các nước ASEAN, thì Philipines đang chuyển sang giai đoạn 2, Indonesia, Thái Lan, Malaysia đã chuyển hẳn sang giai đoạn 2, còn Singapore đã ở giai đoạn 3.

Vừa nêu nguyên nhân, vừa gợi mở hướng cải cách, GS-Viện sĩ Đặng Hữu, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN cho rằng: Những vướng mắc lớn trói chân Việt Nam trong mấy thập kỷ trên con đường chuyển mình từ nền kinh tế đang phát triển sang kinh tế công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kinh tế tri thức chính là tư duy và cách làm.

“Trong tư duy, giới hạn ở chỗ là chúng ta có bộ máy hành chính quá lớn và chậm cải tổ so với yêu cầu hội nhập và bước tiến nhanh của kinh tế thế giới. Điểm nghẽn này cần được cởi bỏ nhanh hơn, mạnh hơn. Kinh tế tri thức dựa trên nền tảng sáng tạo, phát kiến và nuôi dưỡng những phát kiến ấy nhưng đội ngũ nhà khoa học Việt Nam không sống được với đồng tiền lương ít ỏi, lấy đâu ra để cống hiến, để sáng tạo. 

Các DN là chủ công trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang tri thức nhưng chỉ ở 1 số doanh nghiệp tư nhân lớn, DN có vốn đầu tư nước ngoài, còn các DN Nhà nước giậm chân tại chỗ, DN tư nhân không đủ nguồn lực để tiếp cận tư duy mới, công nghệ nguồn của các nước phát triển. Cẩn đẩy mạnh đổi mới thể chế, cơ chế quản lý và minh bạch môi trường hành chính công, trong đó vai trò Nhà nước phải được xem là kiến tạo phát triển, giao quyền mạnh mẽ hơn. Chính sách khuyến khích đổi mới, sáng tạo cần được ưu tiên đổi mới…”.

Nguyễn Tuyền

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm