1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Việt Nam bán cao nhất trong 6 nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới

(Dân trí) - Dù đã có những con số nổi trội nhưng ngành tôm Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức như áp lực hạ giá thành sản xuất và giá xuất khẩu. Trong khi giá tôm trên thế giới đang có xu hướng giảm thì giá tôm của Việt Nam lại tăng. Năm 2015, giá tôm Việt Nam bán cao nhất trong nhóm 6 nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới.

Trong tham luận tại hội thảo “Hội tụ để phát triển ngành tôm” được tổ chức trong khuôn khổ Hội chợ ngành tôm 2016 tại tỉnh Bạc Liêu mới đây, chuyên gia thị trường Nguyễn Bích (Tạp chí thủy sản Việt Nam) cho biết, Việt Nam đứng thứ 3 về sản xuất tôm trên thế giới (sau Trung Quốc và Indonesia), với sản lượng từ 600.000 - 650.000 tấn/năm, nhưng dẫn đầu thế giới về sản xuất tôm sú, với sản lượng 300.000 tấn.

Tôm cũng là mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong nhóm hàng thủy sản của Việt Nam, chiếm đến 50% tổng giá trị. Trong 10 năm qua, xuất khẩu tôm luôn duy trì mức tăng tưởng cao, trong khi đó xuất khẩu các mặt hàng khác lại có sự trồi sụt nhất định. Nếu như năm 2005 xuất khẩu tôm của Việt Nam mới chỉ đạt 1,37 tỷ USD thì sang năm 2014 đạt đến 3,95 tỷ USD. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm trong năm 2015 lại giảm mạnh (giảm 25,3% so với năm 2014), chỉ đạt 2,95 tỷ USD. Nguyên nhân chính là do giá trên thị trường thế giới sụt giảm từ 15- 20%.

Theo chuyên gia thị trường Nguyễn Bích, 10 thị trường nhập khẩu tôm của Việt Nam chiếm đến 94,6%, gồm: Mỹ, Nhật, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, Đài Loan, ASEAN và Thụy Sĩ. Trong đó Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn nhất. Tính riêng năm 2015, chúng ta xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 657 triệu USD.

Việt Nam xuất khẩu 2 mặt hàng chính là tôm nguyên liệu và tôm chế biến giá trị gia tăng. Do chúng ta lợi thế về nguồn nhân công cùng với nhiều nhà máy chế biến nên các mặt hàng chế biến ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu sản phẩm xuất khẩu tôm.

Vài năm trở lại đây, việc cho phép đưa tôm chân trắng vào nuôi trên quy mô công nghiệp đã tạo cú hích cho xuất khẩu tôm của Việt Nam. Trong năm 2015, chúng ta thu về gần 3 tỷ USD từ xuất khẩu tôm, thì trong đó tôm chân trắng chiếm đến 58%. Nguyên ngân được chuyên gia thị trường Nguyễn Bích đưa ra là với việc vượt trội về giá do sản lượng cao và thời gian nuôi ngắn nên tôm chân trắng Việt Nam đang dần chiếm lĩnh thị phần của tôm sú trên thế giới.

Ngành tôm Việt Nam gặp không ít thách thức khi ra thị trường thế giới. (Ảnh: CTV)
Ngành tôm Việt Nam gặp không ít thách thức khi ra thị trường thế giới. (Ảnh: CTV)

Tuy nhiên, dù đã có những con số nổi trội nhưng ngành tôm Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức như áp lực hạ giá thành sản xuất và giá xuất khẩu. Trong khi giá tôm trên thế giới đang có xu hướng giảm thì giá tôm của Việt Nam lại tăng. Năm 2015, giá tôm Việt Nam bán cao nhất trong nhóm 6 nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới, với 10,8 USD/ký; trong khi tôm Ấn Độ là 8,3 USD/ký, tôm Ecuador 6,7 USD/ký, tôm Indonesia là 9,5 USD/ký,…

Bên cạnh đó, một thách không nhỏ là môi trường ở ĐBSCL hiện nay ngày càng ô nhiễm khiến người nuôi tôm buộc phải tăng lượng kháng sinh và thuốc thú y để giảm bớt thiệt hại. Từ đó dẫn đến tôm nhiễm kháng sinh và chất cấm có chiều hướng gia tăng.

Việc kiểm soát chất lượng tôm xuất khẩu cũng là một thách thức đối với hoạt động chế biến và xuất khẩu tôm, bởi tôm nguyên liệu hầu hết được thu mua từ nhiều hộ nuôi khác nhau. Chính việc sử dụng chất kháng sinh tùy tiện của người dân trong nuôi tôm đã và đang ảnh hưởng lớn tới chất lượng tôm nguyên liệu, khiến các doanh nghiệp chế biến tôm mất nhiều chi phí kiểm nghiệm, làm gia tăng thêm giá thành sản xuất.

Một số chuyên gia về tôm cho rằng, để ngành tôm Việt Nam “mạnh” hơn nữa thì một trong những biện pháp trước mắt là các ngành chức năng giải quyết rốt ráo vấn đề sử dụng kháng sinh, chất cấm trong nuôi tôm hiện nay.

Trong khi đó, TS. Như Văn Cẩn- Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Bộ NN&PTNT) đưa ra những giải pháp chính để phát triển ngành tôm Việt Nam như cần nâng cao chất lượng con giống (sạch bệnh, kháng bệnh), phát triển các công nghệ, giải pháp kỹ thuật nuôi hiệu quả, thân thiện môi trường; tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác và liên kết chuỗi giá trị và phát triển thị trường; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chính, áp dụng tiêu chuẩn chứng nhận có uy tín gắn với các chương trình quảng bá sản phẩm; thực hiện tốt các chính sách về đầu tư, ưu đĩa vốn, tín dụng, bảo hiểm cho người nuôi tôm,…

Theo chuyên gia trị trường Nguyễn Bích, với nhu cầu tôm trên thế giới rất lớn, trong khi tôm Việt Nam đã có vị trí quan trọng trên các trị trường thế giới, cùng những ưu đãi về thuế và tiềm lực về sản xuất hàng chế biến giá trị gia tăng nên dự báo xuất khẩu tôm trong năm 2016 sẽ khả quan hơn trong năm 2015.

Huỳnh Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm