Không thể đánh giá ngành tôm Việt Nam kiểu “thầy bói xem voi”

(Dân trí) - Liên quan đến việc IntraFish đăng tải thông tin cho rằng các nhà xuất khẩu tôm Việt Nam sử dụng chất tăng trọng một cách “kinh hoàng, choáng váng, ghê tởm”, Vasep khẳng định, đây là cách đánh giá theo kiểu “vơ đũa cả nắm” ảnh hưởng tới ngành tôm Việt Nam.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, thời gian gần đây, IntraFish, một trang thông tin thủy sản quốc tế đã đăng tải một số bài viết về việc các nhà xuất khẩu tôm Việt Nam sử dụng gelatin (agar) làm tăng trọng lượng tôm.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung: HĐQT đã nhận thấy sai lầm

 
Theo Vaseap, cách IntraFish phản ánh về tình trạng sử dụng chất này trong sản xuất và đánh giá theo kiểu “vơ đũa cả nắm” về toàn bộ sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam có thể dẫn tới những quan điểm không đúng về chất lượng tôm cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh tôm Việt Nam.

 

Đến ngày 11/3/2014, IntraFish tiếp tục đăng tải bài viết dẫn lời đại diện một công ty thực phẩm đông lạnh có trụ sở đặt tại Bangkok để miêu tả quá trầm trọng tình trạng tôm bơm agar khi sử dụng các từ mang tính thậm xưng như “kinh hoàng, choáng váng, ghê tởm”!.

 

Vasep: Không thể đánh giá ngành tôm Việt Nam kiểu “thầy bói xem voi”

Việt Nam là một trong 5 nước sản xuất tôm lớn nhất trên thế giới với sản lượng tôm nguyên liệu hàng năm đạt khoảng 350.000 - 400.000 tấn.

 

Vasep cho rằng, trong những động thái này, Intrafish đã không khách quan và công bằng vì chỉ dùng hiện tượng bơm agar ở một số người trong không gian nhất định để kết luận “chụp mũ” cho cả ngành tôm Việt Nam, như: “thương lái mua tôm nguyên liệu và bơm agar vào tôm. Những con tôm này sẽ được chuyển đi khắp nơi trên thế giới”!.

 

Thậm chí, Vasep dẫn một số nhận định cho rằng, đây được coi là “cố ý gây ấn tượng xấu” cho độc giả về chất lượng của tôm Việt Nam, trong khi tôm Việt Nam thực tế đang chiếm lĩnh thị phần lớn trên hầu hết các nước tiêu thụ khó tính và kiểm soát chặt chẽ về chất lượng như Mỹ, Nhật Bản hay EU.

 

Việt Nam là một trong 5 nước sản xuất tôm lớn nhất trên thế giới với sản lượng tôm nguyên liệu hàng năm đạt khoảng 350.000 - 400.000 tấn. Các sản phẩm tôm Việt Nam được xuất khẩu sang hơn 90 thị trường trên toàn thế giới.

 

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Việt Nam là nước sản xuất tôm sú lớn nhất trên thế giới. Tôm sú đã, đang và sẽ được xác định là loài chủ lực trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm của Việt Nam. Ngoài ra, tôm chân trắng cũng đang được phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam nhằm đáp ứng xu hướng và nhu cầu tiêu dùng thế giới. Sản lượng tôm chân trắng của Việt Nam tăng nhanh trong mấy năm vừa và dự kiến đạt trên 300.000 tấn năm 2014.

 

Năm 2013, Việt Nam là một trong những nguồn cung cấp tôm quan trọng cho thị trường thế giới nhờ kiểm soát tốt EMS (Hội chứng tôm chết sớm) gây thiệt hại nặng nề cho ngành sản xuất tôm của một số nước.

 

Thống kê nhập khẩu tôm vào Mỹ cho thấy, năm 2013, nhập khẩu tôm Việt Nam của Mỹ có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong nhóm 5 nước cung cấp tôm lớn nhất cho thị trường này. Nhập khẩu tôm Việt Nam vào Mỹ năm qua đạt 59.534 tấn, tăng 45,6% so với năm 2012. Năm vừa qua, Việt Nam cũng là nước dẫn đầu về cung cấp tôm đông lạnh cho Nhật Bản và là đứng thứ 7 trong nguồn cung tôm cho EU.

 

Vasep khẳng định, dù có rất nhiều “rào cản kỹ thuật” đã được dựng lên đối với tôm Việt Nam tuy nhiên, với nỗ lực kiểm soát chất lượng từ các nhà chế biến và xuất khẩu tôm và cơ quan chính phủ liên quan đã giúp ngành tôm Việt Nam không chỉ đứng vững mà còn từng bước vượt qua các rào cản này.

 

Thành công mới nhất của ngành tôm Việt Nam là sau hơn một năm, ngày 21/1/2014 Nhật Bản đã quyết định dỡ bỏ quy định kiểm tra 100% lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam về Ethoxyquin, chất chống oxy hóa sử dụng trong sản xuất thức ăn nuôi tôm) trong tôm Việt Nam đồng thời nâng mức dư lượng chất này tlên 0,2 ppm, tăng 20 lần so với mức 0,01ppm trước đó.

 

"Nếu ngành tôm Việt Nam đang hoạt động như những bài báo của IntraFish đã phản ánh thì liệu sản xuất và xuất khẩu tôm Việt Nam có thể đạt được những kết quả như đã có hay không?!" - Vasep đặt vấn đề.

 

Hiệp hội cũng cho biết thêm, về phía cộng đồng doanh nghiệp, các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu đã và đang tăng cường tối đa kiểm tra dư lượng hóa chất, kháng sinh và tạp chất trong tôm, từ khâu nguyên liệu đến chế biến và xuất khẩu. Trước khi xuất khẩu, sản phẩm tôm phải qua 5 lần kiểm tra.

 

Vasep nhấn mạnh, năm 2014, để có thể duy trì và tăng trưởng ổn định, ngành tôm Việt Nam đã chủ động xác định tăng cường quản lý chất lượng tôm xuất khẩu theo chuỗi, từ khâu sản xuất tôm giống đến sản phẩm xuất khẩu. Vấn đề kiểm soát tạp chất, kháng sinh cấm tiếp tục được thắt chặt. Cơ quan quản lý nhà nước cũng đã đưa thông điệp mạnh mẽ trong việc xỷ lý việc bơm agar vào tôm nguyên liệu như các phương tiện truyền thông phản ánh nếu phát hiện thấy nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng này, giúp khẳng định và giữ vững uy tín của tôm Việt Nam trên thị trường thế giới, không thể để tình trạng “con sâu bỏ rầu nồi canh”.

 

Bích Diệp
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước