Việt Nam ảnh hưởng gì khi neo tỉ giá theo USD?

(Dân trí) - Báo cáo do Ủy ban Kinh tế phát hành cho rằng, cần tăng biên độ dao động của tỷ giá NHTM xung quanh tỷ giá chính thức thay vì vẫn giữ ở mức 1% hiện nay; tỷ giá chính thức có lên, có xuống với mức điều chỉnh nhẹ nhưng tần suất cao hơn.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

* Lãi suất huy động hạ đồng loạt, lãi suất cho vay thế nào?

* Huế: Vỡ hụi chấn động chợ Đông Ba

* Việt Nam kiện Trung Quốc về “tội” gì?

* Giá vàng tăng phiên thứ 6 liên tiếp do đồng USD mất giá

Tại Báo cáo kinh tế vĩ mô 2014 mang tựa đề "Cải cách thể chế kinh tế: Chìa khóa cho tái cơ cấu" vừa được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát hành ngày 26/6, TS Tô Trung Thành mặc dù đánh giá giai đoạn 2011-2013, tỷ giá tương đối ổn định đã đóng góp phần đáng kể vào ổn định kinh tế vĩ mô.
 
Điểm mới là trong hai năm gần đây (2012-2013) là NHNN đã chủ động hơn trong việc thông tin về định hướng điều hành tỷ giá, việc điều hành thanh khoản ngoại tệ cũng được lưu tâm hơn, thông qua các hoạt động của NHNN với vai trò là người mua/người bán cuối cùng trên thị trường và hạn chế trạng thái ngoại tệ của các tổ chức tín dụng. 
 
Tuy vậy, sự ổn định của tỷ giá trong giai đoạn 2012-2013 chủ yếu bắt nguồn từ nguyên nhân quan trọng nhất là bối cảnh kinh tế khó khăn làm giảm đáng kể nhu cầu nhập khẩu và thâm hụt thương mại so với các năm trước đó, theo đó làm giảm nhu cầu ngoại tệ trên thị trường. Trong khi đó, nguồn cung ngoại tệ vẫn tương đối dồi dào với mức giải ngân đầu tư nước ngoài và kiều hối ổn định và dự trữ ngoại hối gia tăng.
 
Ông Thành cũng đặt ra hàng loạt vấn đề do việc giữ tỷ giá cố định trong một thời gian dài.
 
 Việc neo giữ chặt vào đồng USD khiến lựa chọn chính sách trở nên thu hẹp hơn.
 Việc neo giữ chặt vào đồng USD khiến lựa chọn chính sách trở nên thu hẹp hơn.
 
Yếu tố tâm lý và đầu cơ đe dọa sự ổn định thị trường ngoại hối
 
Vị chuyên gia chỉ ra rằng, việc tỷ giá được giữ ổn định trong thời gian dài, tiền đồng đang được định giá cao, gây áp lực dồn nén đến tỷ giá. Yếu tố tâm lý và đầu cơ vẫn có thể đe dọa sự ổn định của thị trường ngoại hối, đặc biệt trong bối cảnh yêu cầu tăng tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu đang được tranh luận và áp lực lạm phát đang phần nào suy giảm.
 
Thực tiễn cho thấy ở một số thời điểm trong năm 2013 tỷ giá thị trường tự do tăng mạnh và cao hơn nhiều tỷ giá chính thức liên quan đến tâm lý đồn đoán điều chỉnh tiền đồng (vào tháng 6/2013 và cuối năm khi NHNN còn dư địa điều chỉnh tỷ giá theo công bố đầu năm). 

Song, theo tác giả, rủi ro lớn hơn là Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực điều chỉnh mạnh, theo đó sẽ ảnh hưởng mạnh đến ổn định vĩ mô, một khi kinh tế đảo chiều, tăng trưởng tốt hơn, nhu cầu nhập khẩu gia tăng và/hoặc giảm sút các dòng vốn vào do bất ổn kinh tế, chính trị thế giới.

Ngoài ra, có nhiều nhận định dòng tiền nóng vào Việt Nam trong vài năm qua gia tăng nhanh chóng chủ yếu để tận dụng mức lãi suất cao so với mặt bằng lãi suất chung của thế giới. Trong bối cảnh lãi suất đang có xu hướng giảm nhanh thì các dòng tiền nóng này có thể đổi chiều nhanh chóng, từ đó gia tăng rủi ro đến ổn định tỷ giá.
 
Tác giả bản báo cáo cũng nhận xét, tác động của cơ chế tỷ giá hiện nay đến lạm phát phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả của các biện pháp trung hòa của NHNN trong ràng buộc bộ ba bất khả thi (ổn định tỷ giá; tự do hóa tài khoản vốn; chính sách tiền tệ độc lập). Trong trường hợp trung hòa có hiệu quả thì các biện pháp trung hoà vẫn có những hệ lụy và chi phí. 

Cụ thể, báo cáo của NHNN tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 3 cho thấy, cơ quan này đã mua được kỷ lục 7,7 tỉ USD chỉ trong vòng 1 quý (so với khoảng 10 tỉ cả năm 2013). Riêng quý I, NHNN đã tung ra khoảng 160.000 tỉ đồng để mua ngoại tệ. 
 
Bên cạnh đó, trong quý I năm 2014, khối lượng tín phiếu phát hành lên đến 244.804 tỉ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Tính chung từ ngày 15/3/2012 đến nay, NHNN đã phát hành 674.683 tỉ đồng tín phiếu, trong đó đã có 500.879 tỉ đồng tín phiếu đáo hạn, hiện còn 173.804 tỉ đồng tín phiếu chưa đáo hạn, trong đó tín phiếu kỳ hạn 28 ngày là 61.381 tỉ đồng và kỳ hạn 91 ngày là 112.423 tỉ đồng.
 
Với khối lượng tín phiếu NHNN đang gia tăng ở mức cao như hiện nay, kỳ hạn lại ngắn (28 và 91 ngày) thì trong quý 2/2014 tới, áp lực phát hành tiếp tục tín phiếu NHNN gia tăng, ảnh hưởng và gây áp lực đến việc điều hòa cung tiền và chính sách tiền tệ. Ngoài ra, khó có thể cải thiện được hiệu quả hoạt động của các NHTM khi họ phải giữ một khối lượng lớn tín phiếu NHNN có mức lãi suất thấp trong danh mục đầu tư của mình, TS Thành nhận định.
 
Tác giả báo cáo đưa ra khuyến nghị, trong giai đoạn ngắn hạn trước mắt (2014-2015), Việt Nam cần có cơ chế kiểm soát vốn hiệu quả để có thể ổn định được tỷ giá ở mức độ nhất định cùng với gia tăng dự trữ ngoại hối đủ lớn và nâng cao hiệu quả các biện pháp trung hòa để chống lại các cú sốc, cải thiện được tính độc lập của chính sách tiền tệ, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới còn đối diện nhiều rủi ro bất ổn khó lường trong những năm sắp tới.
 
Trong đó lưu ý, kiểm soát vốn nên coi là giải pháp tạm thời và trong giai đoạn chuyển đổi trước khi tự do hơn vào năm 2018, và Việt Nam cần tận dụng thời gian này để nền kinh tế có thể xử lý các vấn đề trong nước và xây dựng thị trường tài chính đủ lành mạnh. Cụ thể, kiểm soát nợ nước ngoài; kiểm soát vốn đầu tư gián tiếp; tăng cường các biện pháp chống đô la hóa và vàng hóa; và thắt chặt tài khóa (một biện pháp tác động tương tự như kiểm soát vốn).
 
Tỷ giá và cán cân thương mại tại Việt Nam ít thấy mối quan hệ chặt chẽ theo lý thuyết.
Tỷ giá và cán cân thương mại tại Việt Nam ít thấy mối quan hệ chặt chẽ theo lý thuyết.
 
Đề xuất neo tỷ giá theo giỏ tiền tệ thay vì lệ thuộc USD
 
Về mặt lý thuyết, nếu tiền đồng được định giá cao, hàng hóa nội địa sẽ mất dần tính cạnh tranh, ảnh hưởng đến xuất khẩu và cán cân thương mại; ngược lại nếu tiền đồng được định giá thấp, hàng hóa trong nước có tính cạnh tranh hơn, đóng góp vào tăng trưởng xuất khẩu và cải thiện cán cân thương mại. Song trong thực tế, tỷ giá và cán cân thương mại tại Việt Nam ít thấy mối quan hệ chặt chẽ theo lý thuyết.
 
TS Tô Trung Thành nhận định, nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng nhập siêu trong giai đoạn qua là do cơ cấu sản xuất và xuất khẩu trong nước, cụ thể là hiệu quả đầu tư thấp và nhu cầu nhập khẩu gia tăng cho các ngành hàng xuất khẩu. Như vậy, mục tiêu cải thiện cán cân thương mại một cách bền vững khó có thể đạt được với các cách điều hành tỷ giá nếu không có cải thiện trong mô hình tăng trưởng kinh tế và cơ cấu nền kinh tế. Điều này hàm ý, nếu tỷ giá được điều chỉnh mạnh hơn thì chưa chắc cán cân thương mại được cải thiện, mục tiêu lấy tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu là không phù hợp trong giai đoạn hiện nay.
 
Trong khi sử dụng công cụ tỷ giá có thể không đóng góp nhiều vào cải thiện cán cân thương mại bền vững thì theo tác giả, việc giữ tỷ giá cố định trong thời gian quá dài không tạo được động lực để phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước cũng như không khuyến khích được việc gia tăng hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng của các ngành hàng xuất khẩu. Vì thế, định hướng chung là cần thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt hơn. Tuy nhiên, theo tác giả, điều chỉnh cơ chế tỷ giá sang cơ chế thả nổi có quản lý lại chưa phải là thời điểm thích hợp.
 
Theo đó, để tăng cường tính linh hoạt của tỷ giá trong giới hạn ổn định cho phép, cần tăng biên độ dao động của tỷ giá NHTM xung quanh tỷ giá chính thức thay vì vẫn giữ ở mức 1% hiện nay (kể từ đầu năm 2011). Bên cạnh đó, cần tránh xu hướng điều chỉnh tăng đột ngột một chiều tỷ giá sau đó giữ nguyên tỷ giá chính thức trong thời gian dài, thay vào đó, cần tạo một khuôn khổ linh hoạt hơn cho tỷ giá với sự thay đổi tỷ giá chính thức có lên, có xuống với mức điều chỉnh nhẹ với tần suất nhiều hơn.
 
Cũng theo tác giả, cơ chế neo cố định theo USD hiện nay ảnh hưởng không thuận lợi đến cán cân thương mại ở khía cạnh là tiền đồng quá lệ thuộc vào USD. Hiện nay, cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ chưa tới 20%, trong khi nhập khẩu của Việt Nam từ Mỹ chỉ chiếm khoảng 4% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong năm 2013, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Mỹ chỉ chiếm 11%, trong khi Trung Quốc là 19%, Nhật Bản là 9,5% và EU là 12,8%. 

Về cơ cấu đồng tiền trong nợ nước ngoài, các chủ nợ lớn của Việt Nam năm 2012 bao gồm Nhật Bản (34,5% tổng nợ), WB (28,8%) hay ABD (15,5%). Như vậy, phần lớn nợ nước ngoài của Việt Nam chủ yếu định giá bằng các động tiền mạnh như JPY, SDR, USD và EUR. Còn nếu tính đến tháng 12/2010, cơ cấu nợ công nước ngoài Việt Nam là JPY (38,8%), SDR (27,1%), USD (22,2%) và EUR (9,2%). 
 
Việc phụ thuộc lớn vào USD, trong khi thương mại và vay nợ phụ thuộc vào đồng tiền các nước khác với tỉ trọng cao hơn khiến cho tỷ giá song phương giữa Việt Nam và các nước bạn hàng lớn bị ảnh hưởng trong quan hệ thương mại và đầu tư, không phản ánh được đúng tương quan kinh tế giữa Việt Nam và các nước bạn hàng, đặc biệt trong bối cảnh tiền USD trên thị trường thế giới biến động mạnh như hiện nay.
 
Cùng với đó, việc neo giữ chặt vào đồng USD cũng khiến lựa chọn chính sách trở nên thu hẹp hơn. Kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy, chuyển sang cơ chế neo giữ một giỏ tiền tệ là một lựa chọn hợp lý, vừa giữ được ổn định tỷ giá ở mức độ nhất định, vừa đảm bảo tính linh hoạt của chính sách. 
 
"Có thể nói Việt Nam hiện nay đã đáp ứng đủ các điều kiện cho việc neo tỷ giá theo giỏ tiền tệ bởi độ mở kinh tế nước ta lớn nhưng lại không bị lệ thuộc chủ yếu vào một đối tác cụ thể nào nên cơ chế này không những không khiến Việt Nam bị tác động mạnh bởi các cú sốc từ thị trường tiền tệ bên ngoài mà còn giúp Việt Nam ngăn chặn tốt hơn các cú sốc từ thị trường hàng hóa quốc tế" - TS Thành nhận định. 
 
Bích Diệp

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”