Viễn thông Việt Nam có tốc độ phát triển đứng thứ 2 thế giới

(Dân trí) - Cam kết gắn bó lâu dài và cố gắng hơn nữa để đóng góp vào thị trường viễn thông Việt Nam đã được ông Carl - Henric Svanberg - Chủ tịch tập đoàn Ericsson đưa ra trong cuộc gặp gỡ báo chí Việt Nam ngày 9/9. Ông cũng cho biết, Việt Nam hiện là nước có tốc độ phát triển viễn thông đứng thứ 2 trên thế giới.

Theo ông Svanberg, Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển viễn thông vì Việt Nam có một nền dân số trẻ, nhiều người có học vấn, ham học hỏi công nghệ mới và thử nghiệm những dịch vụ mới. Tiềm năng phát triển viễn thông ở Việt Nam còn được hỗ trợ bởi một môi trường pháp lý thuận lợi.

 

Tuy nhiên, mật độ thuê bao điện thoại ở Việt Nam mới ở mức khoảng 15% dân số, vì vậy các nhà cung cấp dịch vụ trong nước và những công ty nước ngoài có nhiều cơ hội để phát triển ở Việt Nam. Xu hướng cạnh tranh giá cước cũng đang góp phần vào việc tăng trưởng lưu lượng.

 

Đề cập tới xu hướng phát triển của thị trường viễn thông quốc tế, ông Svanberg cho biết: "Trong sáu tháng đầu năm 2005, thế giới có hơn 180 triệu thuê bao điện thoại di động - đây sự tăng trưởng kỷ lục về số thuê bao di động mới.

 

Trên thế giới hiện có khoảng 1,9 tỉ thuê bao di động, trong đó hơn 1,4 tỉ là thuê bao di động mạng GSM. Sức tăng trưởng vẫn gia tăng và thuê bao toàn cầu có thể vượt ngưỡng 2 tỉ vào cuối năm nay. Trong đó khỏang 80% của sự tăng trưởng này xuất phát từ các thị trường mới phát triển, mà rất nhiều trong số đó nằm ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương."

 

Ngoài sự tăng trưởng cao về số người sử dụng tại các thị trường mới phát triển, trên thế giới còn hình thành rõ ràng một xu thế mới khi người sử dụng đang quan tâm nhiều hơn đến các dịch vụ mới cho phép họ thể hiện bản thân và trao đổi thông tin bằng cách kết hợp liên lạc thoại, nhắn tin, hình ảnh, video…

 

Dự báo doanh thu từ liên lạc dữ liệu trên toàn cầu sẽ tăng từ mức 61 tỉ USD của năm nay lên mức 189 tỉ USD vào năm 2009, và khi đó doanh thu từ liên lạc dữ liệu sẽ chiếm 20% doanh thu của các nhà khai thác mạng. Điều này thể hiện rõ sự tăng trưởng bền vững của các dịch vụ liên lạc dữ liệu di động trong 5 năm tới, với doanh thu tăng gấp 3 lần so với năm 2004.

 

Về phía các nhà khai thác, khi cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt, các nhà khai thác mạng đang chú trọng hơn vào việc cung cấp các dịch vụ mà người sử dụng muốn và vì vậy họ đang tăng cường các nguồn lực triển khai hoặc vận hành mạng lưới.

 

Việc outsourcing này sẽ đảm bảo cho các nhà khai thác mạng cả về một chi phí hoạt động hiệu quả cũng như chất lượng và sự vận hành của mạng lưới. Nhờ thế các nhà khai thác mạng có thể tập trung hơn vào các hoạt động tiếp thị và tăng cường doanh thu.

 

Về mặt công nghệ, WCDMA - bước phát triển tiếp theo của công nghệ GSM trở thành công nghệ di động 3G chính và tiếp tục được triển khai trên toàn cầu. Trong quí 2 năm 2005 số lượng thuê bao WCDMA đã vượt ngưỡng 28 triệu. Tới năm 2007 sẽ có khỏang 80% thuê bao di động thế giới nằm trong lộ trình phát triển của GSM/GPRS/EDGE/ WCDMA.

 

WCDMA Evolved sẽ là bước phát triển chuẩn hóa của WCDMA với tính năng HSDPA (Truy cập gói truyền xuống tốc độ cao). Với sự phát triển này, các nhà khai thác mạng có thể cung cấp các dịch vụ băng rộng di động với băng thông tương đương với ADSL để tạo ra các tiện ích phong phú cho người dùng, bao gồm việc tải phim, âm nhạc hay các ứng dụng truyền hình và các ứng dụng doanh nghiệp. Triple play – một xu thế dịch vụ kết hợp thoại, Internet và truyền thông sẽ tiếp tục được các nhà khai thác mạng di động và cố định chú trọng.

 

Tại Việt Nam, Ericsson cam kết hoạt động lâu dài. Ericsson đã làm việc với các nhà khai thác mạng Việt Nam và hỗ trợ họ trong việc xây dựng mạng lưới viễn thông Việt Nam trước cả khi thành lập văn phòng ở Việt Nam vào năm 1993. Hiện nay, Ericsson là nhà cung cấp cho các nhà khai thác mạng hữu tuyến của Việt Nam. Tập đoàn này cũng đang cung cấp thiết bị mạng di động cho cả 3 mạng GSM tại Việt Nam.

 

Ericsson đưa ra cam kết sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nhà khai thác mạng Việt Nam để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, giới thiệu vào Việt Nam những phát triển mới nhất của liên lạc băng rộng và di động, cùng với việc triển khai mạng di động 3G, EDGE hay Mạng thế hệ mới NGN.

 

Lê Quang