1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Viễn thông di động Việt Nam: Cuộc cách mạng 18 năm

Tính đến tháng 4/2011, cả nước có khoảng 157,8 triệu thuê bao di động. Điều đó có nghĩa là mỗi người dân Việt Nam sở hữu đến 2 số thuê bao di động. Con số này quả là đáng nể khi thị trường di động Việt Nam mới bước sang tuổi 18.

Mặc dù, nhu cầu về thông tin di động tại Việt Nam đã được manh nha từ những năm 1990 - 1991, song phải đến tháng 4/1994, với sự ra đời của mạng di động đầu tiên - MobiFone, thị trường di động Việt Nam mới thực sự hình thành.

Viễn thông di động Việt Nam: Cuộc cách mạng 18 năm - 1

Lẽ dĩ nhiên, người đi tiên phong khai phá bao giờ cũng gặp nhưng khó khăn và gian nan hơn người đi sau. Trong hai năm đầu thành lập, MobiFone thiếu thốn đủ bề, từ vốn đầu tư, kinh nghiệm quản lý và khai thác mạng, cách thức kinh doanh. Ngay cả vấn đề lựa chọn công nghệ di động nào cũng là quyết định khó khăn lúc bấy giờ.
 
Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Mai Liêm Trực nhớ lại: năm 1989 toàn ngành chỉ có được 1,7 triệu USD để mua tổng đài điện tử, vì thế phải dựa vào phương thức mua trả chậm thiết bị mạng. Nhưng mua thiết bị trả chậm cũng chỉ là phương thức tạm thời vì thiếu tính chủ động và sa vào nợ nần.
 
“Trong khi đó, công nghệ mới nhất là GSM (công nghệ thông tin di động mặt đất) lúc đó mới chỉ được triển khai ở một vài nước, giá cả lại đắt hơn. Vì thế, một số người còn sợ rằng nếu triển khai công nghệ GSM, chúng ta khó làm chủ được công nghệ và cho rằng nên chọn công nghệ di động vệ tinh toàn cầu vì có ưu thế về độ phủ sóng”, ông Mai Liêm Trực nhớ lại.
 
Mặc dù vậy, cuối cùng, lãnh đạo Tổng cục Bưu điện và VMS-MobiFone cũng quyết định chọn công nghệ GSM vì cho rằng cần đi thẳng vào công nghệ hiện đại mới có thể xây dựng và phát triển vững bền được.
 
Và lần lượt sau đó, các mạng di động ra đời sau như VinaPhone (1997), Viettel (2004) cũng đã lựa chọn công nghệ GSM. Thậm chí như HT Mobile sau một thời gian theo đuổi công nghệ CDMA như S-Fone cuối cùng cũng phải chuyển đổi sang GSM với tên gọi mới là Vietnamobile.
 
Từ năm 2005 - 2007, nhiều hãng di động mới gia nhập thị trường, trong khi đó giá thiết bị mạng GSM giảm nhanh và sự bùng nổ các loại điện thoại di động từ bình dân đến cao cấp khiến cho thị trường di động Việt Nam ngày càng sôi động và cạnh tranh quyết liệt. Nhiều đợt giảm cước và khuyến mãi khủng được tung ra liên tục khiến lượng thuê bao tăng với tốc độ “chóng mặt”. Viettel đã trở thành nhà mạng có mức tăng trưởng mạnh nhất trong giai đoạn này nhờ ưu thế cạnh tranh giá rẻ. Trong khi đó, MobiFone và VinaPhone lại không được tự quyết định giảm cước.
 
“Đứng trước rào cản này chúng tôi đã chuyển hướng tập trung vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ đồng thời chuẩn bị sẵn sàng cho việc tiếp nhận và ứng dụng các công nghệ mới, gia tăng tiện ích cho khách hàng”, ông Lê Ngọc Minh chia sẻ.
 
Và MobiFone đã không chọn con đường cước giá rẻ mà bằng việc gia tăng các giá trị cho khách hàng. Từ chỗ chỉ có dịch vụ thoại và SMS, MobiFone đã mở rộng lượng thuê bao bằng 10 gói cước khác nhau, với hơn 50 dịch vụ giá trị gia tăng và nhiều tiện ích mới được phát triển trên nền tảng công nghệ 2G và 3G.
 
Kết quả là trong suốt 3 năm 2007 - 2009, MobiFone luôn có mức tăng trưởng cao về thuê bao, doanh thu và lợi nhuận. Đặc biệt, năm 2010 MobiFone là đơn vị đứng đầu danh sách 1.000 doanh nghiệp đóng thuế cao nhất Việt Nam với số tiền đóng góp vào ngân sách nhà nước gần 6.000 tỷ đồng.
 
Đáng chú ý là năm 2007, khi Cục Quản lý chất lượng (Bộ Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin) lần đầu tiên công bố kết quả đo kiểm nghiệm chất lượng mạng thì MobiFone đã đạt số điểm cao nhất, có chất lượng tương đương chất lượng điện thoại cố định.
 
Từ đó, MobiFone liên tục được người tiêu dùng bình chọn là “Doanh nghiệp di động có chất lượng dịch vụ tốt nhất”, “Mạng di động chăm sóc khách hàng tốt nhất”, “Mạng di động được ưa chuộng nhất”.
 
Tại lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động của MobiFone vừa diễn ra hôm 15/7, ông Lê Ngọc Minh cho biết, chiến lược lâu dài của MobiFone là không chỉ dừng lại ở thị trường nội địa 86 triệu dân. MobiFone đang tiến tới triển khai tham vọng chinh phục thị trường khoảng 200 triệu dân vào năm 2020.
 
Vũ Cao