Viễn thông chậm cổ phần hóa vì khó định giá tài sản
Thông tin MobiFone là mạng ĐTDĐ đầu tiên sẽ được cổ phần hóa (CPH), được các đối tác nước ngoài “săn đón” không chỉ vì khả năng phát triển trong lĩnh vực viễn thông, mà còn là mạng có thương hiệu mạnh trên thị trường.
Hiện có tới 10 hãng viễn thông nước ngoài đang chuẩn bị đầu tư vào MobiFone khi DN này được CPH. Họ khẳng định bằng vào kinh nghiệm kinh doanh và năng lực cạnh tranh, việc mua cổ phần vào các mạng di động sẽ “thắng lớn”, lúc đó thị trường kinh doanh sẽ sôi nổi hơn gấp nhiều lần so với hiện nay.
Thế nhưng kế hoạch CPH của MobiFone đang tiến hành rất chậm chạp, thậm chí còn chựng lại vì phải chờ đợi các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, sau khi đã hoàn tất các phương án có tính nguyên tắc từ 6 tháng trước đó.
Chính sự chậm trễ này kéo theo việc định giá tài sản cũng không thể tiến hành được. Theo kế hoạch, VinaPhone sẽ là DN được CPH thứ 2 sau MobiFone vẫn chưa nhận được văn bản chỉ đạo cụ thể nào cho việc CPH.
Trong khi đó Viettel, DN đang cạnh tranh gay gắt với VinaPhone và MobiFone lại đang gấp rút hoàn thành những công đoạn cuối cùng để xem xét lựa chọn đối tác chiến lược cho việc CPH đang gần kề. Chính điều này làm cho 2 bậc “đàn anh” đang đứng trước những lo ngại từ việc có thể không còn duy trì được vị trí số 1 trên thị trường thông tin di động nữa.
Theo ông Trần Đức Lai, Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông: Nếu như triển khai CPH ở các DN thông thường đơn giản chỉ là định giá tài sản cố định thì DN thông tin di động phức tạp hơn nhiều do các tài sản vô hình như vấn đề thương quyền, tần số (tài nguyên thông tin), khả năng mở rộng thị trường... rất khó đánh giá. Những giá trị này phải được đưa vào tài sản chung của DN thông tin di động khi CPH. Đây là một vấn đề rất mới, chưa có tiền lệ và chưa có các quy định cụ thể.
Theo Ngọc Mai
Báo Người lao động