Viện phó CIEM: “Không thể bắt Uber, Grab chịu trách nhiệm cả những khâu họ không làm”

(Dân trí) - TS. Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng có thể các nước còn có quan điểm khác nhau về vấn đề Uber, Grab. Tuy nhiên, ở Việt Nam cần có quan điểm riêng của mình, thậm chí có thể đi tiên phong trong lĩnh vực này. Không có lý do gì phải đợi Singapore hay Malaysia... “đi” thế nào rồi mình mới “đi” theo.


Ông Phan Đức Hiếu: Không thể bắt doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm cho tất cả các khâu mà họ không làm.

Ông Phan Đức Hiếu: Không thể bắt doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm cho tất cả các khâu mà họ không làm.

Việt Nam có thể đi "tiên phong" trong cách ứng xử với Uber, Grab

Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Phan Đức Hiếu đã nhấn mạnh như vậy khi phát biểu tại Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp Danh mục rà soát điều kiện kinh doanh lĩnh vực giao thông vận tải chiều 26/3.

Góp ý dự thảo thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, ông Hiếu cho rằng việc rà soát cắt giảm điều kiện kinh doanh lần này diễn ra khá “mạnh mẽ”.

Tuy nhiên ông Hiếu cũng bày tỏ lo lắng việc Bộ GTVT chuyển các điều kiện kinh doanh thành quy định về quản lý hoạt động vận tải hoặc quy định về trách nhiệm. Vì như vậy chúng sẽ trở thành việc chuyển từ trạng thái nọ sang trạng thái kia, không phải là “cắt bỏ” thủ tục cho doanh nghiệp.

“Chỉ thực sự cắt bỏ đi thì mới giảm gánh nặng cho doanh nghiệp. Còn nếu chúng ta chỉ chuyển thủ tục từ trạng thái này sang trạng thái khác thì gánh nặng sẽ vẫn vậy”, ông Hiếu nói.

Đáng lưu ý, Viện Phó CIEM cho biết dự thảo thể hiện một tư duy rất cũ là phân biệt các loại hình vận tải, như kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, bằng xe taxi, kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, kinh doanh vận tải bằng ô tô theo hợp đồng...

“Khi Bộ GTVT chia vận tải thành 4 loại hình và cố gắng quy định các điều kiện để loại hình này không cạnh tranh, không chồng lấn với loại hình kia thì vô hình trung lại khiến thị trường bị phân mảnh”, ông Hiếu nhận xét.

Phó viện trưởng CIEM cho rằng đã đến lúc phải tư duy rằng 4 loại hình vận tải cần tuân theo sự quyết định của thị trường. Theo đó, các phương thức kinh doanh vận tải phải có quyền cạnh tranh lẫn nhau, để họ được “lấn sân” lẫn nhau như vậy thì người tiêu dùng và bản thân doanh nghiệp mới có lợi.

“Tôi lấy ví dụ, nếu như ngày lễ ngày tết mà giá cả chi phí hợp lý thì taxi hoàn toàn có thể trở thành vận tải như tuyến cố định chứ sao?”, ông Hiếu nói.

Ông Hiếu nhấn mạnh, cần phải hết sức cởi mở với xu hướng mới vì dù chúng ta “không cởi mở cũng không được”. “Đâu có các nước còn có quan điểm khác nhau về vấn đề Uber, Grab. Nhưng Việt Nam thì cần có quan điểm riêng, thậm chí đi tiên phong trong lĩnh vực này. Không có lý do gì phải đợi Singapore, Malaysia… “đi” rồi mình mới “đi” theo. Tại sao mình không làm để cho Singapore sang đây học mình?”, ông Hiếu nêu quan điểm.

Không thể bắt Uber, Grab chịu trách nhiệm cả những khâu không làm

Tiếp tục bàn về câu chuyện Uber, Grab ở Việt Nam, ông Hiếu nói: Trước đây tư duy của chúng ta là nếu một người đứng ra kinh doanh phải lập doanh nghiệp, phải có tài sản, phải mua thiết bị, phải tổ chức kinh doanh từ đầu đến cuối, phải chịu trách nhiệm với khách hàng.

“Tuy nhiên xu hướng bây giờ, các nhà đầu tư không kinh doanh từ đầu đến cuối nữa. Họ chỉ chọn kinh doanh một hay một số trong nhiều các công đoạn đó. Như Uber, họ chỉ kinh doanh dịch vụ kết nối thôi. Sau đó như tôi chẳng hạn, có thể mua hàng trăm xe rồi thuê lái xe và kết nối với Uber”, ông Hiếu nói.

Như vậy không thể bắt đơn vị đứng ra cung cấp phần mềm kết nối phải chịu trách nhiệm với cả lái xe. Lái xe không phải người lao động của họ. Người lái xe phải tự cân đối chi phí để trang trải cuộc sống. Như vậy sẽ làm cho xã hội hiệu quả hơn, ông Hiếu nêu quan điểm.

Và cũng chính với xu hướng mới như trên, Phó viện CIEM cho rằng cách tiếp cận của dự thảo Nghị định 86 nên theo hướng chấp nhận “một cuộc chơi”, theo đó người ta kinh doanh đến đâu thì mình điều chỉnh đến đấy.

Ngoài ra, ông Hiếu cho rằng việc yêu cầu Uber, Grab có pháp nhân Việt Nam, hoạt động kinh doanh phải tính doanh thu, hạch toán và trả thuế như các hoạt động kinh doanh khác đó là điều công bằng.

“Còn không thể bắt doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm cho tất cả các khâu mà họ không làm. Nếu bắt như vậy thì lại là không công bằng", ông Hiếu nêu quan điểm.

Cũng theo vị này, hiện nay cơ quan quản lý nhà nước đang bó buộc doanh nghiệp taxi truyền thống, buộc họ phải kinh doanh từ đầu đến cuối và phải chịu trách nhiệm cho mọi hoạt động. Điều này làm gia tăng chi phí rất lớn cho các doanh nghiệp.

Nguyễn Khánh

Viện phó CIEM: “Không thể bắt Uber, Grab chịu trách nhiệm cả những khâu họ không làm” - 2

Dòng sự kiện: Grab thâu tóm Uber