Grab đâu phải “một mình một chợ”, lo ngại chuyện độc quyền thao túng có thừa?

(Dân trí) - Mặc dù không còn đối thủ cạnh tranh lớn là Uber nữa song Grab vẫn sẽ phải tiếp tục “đau đầu” với bài toán kinh doanh của mình khi nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực này sắp đổ bộ vào Việt Nam. Bên cạnh đó các hãng taxi truyền thống cũng đang tìm mọi cách để lấy lại “phong độ”… Rõ ràng, Grab đâu phải “một mình một chợ”?

Grab vẫn còn rất nhiều đối thủ khác chứ không phải “một mình một chợ” khi Uber “biến mất”.
Grab vẫn còn rất nhiều đối thủ khác chứ không phải “một mình một chợ” khi Uber “biến mất”.

Tăng giá không hợp lý, người tiêu dùng sẽ “tẩy chay”

Trao đổi với Dân trí, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho rằng, rất khó để đưa ra cơ sở khẳng định việc Uber sáp nhập vào Grab vi phạm Luật Cạnh tranh. Điều vướng lớn nhất đó là đến nay chưa định danh được cho loại hình này.

“Khi chưa xác định rõ Uber, Grab là taxi hay kinh doanh dịch vụ công nghệ thì không đủ cơ sở để nói họ vi phạm cạnh tranh ở lĩnh vực gì. Nếu nói họ là kinh doanh taxi thì thị trường còn rất nhiều hãng taxi khác, nếu là ứng dụng công nghệ thì cũng đâu chỉ có hai hãng này, mặc dù thị phần hiện nay 2 hãng này chiếm chủ yếu”, ông Minh nói.

Trước nhiều ý kiến lo Grab thao túng giá sau khi thâu tóm Uber, vị chuyên gia này cho rằng, Grab vẫn còn rất nhiều đối thủ khác chứ không phải “một mình một chợ” khi Uber “biến mất”.

“Còn rất nhiều hãng taxi, người tiêu dùng và lái xe có thể lựa chọn. Nếu đắt quá người tiêu dùng có thể không đi nữa và chọn phương thức khác cho phù hợp. Một số taxi công nghệ đang và sẽ triển khai, nên khả năng độc quyền là khó”, ông Minh nói.

Theo nhận định của các chuyên gia, khả năng họ sẽ tăng chiết khấu với tài xế hay giảm khuyến mại với khách hàng là việc có thể xảy ra. Tuy nhiên, đây là chiến lược dựa vào hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Không có doanh nghiệp nào có thể sử dụng “chiến lược giá huỷ diệt” mãi được.

Một nhà báo từng đặt câu hỏi đối với lãnh đạo Grab Việt Nam: “Đứng ở vị trí người tiêu dùng, ông có vui không khi đối thủ cạnh tranh của một loại hình dịch vụ biến mất, còn mỗi một doanh nghiệp duy nhất độc quyền?”.

Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Grab Việt Nam Nguyễn Tuấn Anh cho biết, mình hiểu những lo lắng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, về mặt lâu dài, vấn đề quan trọng hơn là sự phát triển bền vững.

“Bây giờ các bạn có thể rất vui khi được khuyến mãi nhiều, nhưng một công ty không bao giờ có thể khuyến mãi suốt đời, và các bạn có thể sẽ lo lắng hơn khi ngày mai biết được công ty không còn khuyến mãi được nữa mà đóng cửa luôn”, ông Tuấn Anh nói.

Điều lãnh đạo doanh nghiệp này muốn nói tới, đó chính là mặc dù muốn có giá cạnh tranh nhưng họ cũng phải có doanh thu, có lãi và “sống sót”. Điều đó đồng nghĩa với việc dù có hay không vụ sáp nhập này, Grab cũng sẽ phải tính đến các phương án kinh doanh để sinh lời chứ không thể “chạy” theo cuộc đua về giá mãi được.

Grab đâu phải “một mình một chợ”

Nêu quan điểm về thương vụ Grab “thâu tóm” Uber, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, phải xác định Uber và Grab là giải pháp công nghệ cung cấp cho các đơn vị kinh doanh vận tải để kết nối. Việc họ sát nhập với nhau là hoạt động của doanh nghiệp chiếu theo Luật Doanh nghiệp thì họ hoàn toàn có quyền làm điều đó.

Theo ông Đông, lo ngại độc quyền khi Grab mua Uber ở Đông Nam Á có thể chỉ đúng một phần. Tên thực tế đến nay, Việt Nam có 10 đơn vị cung ứng công nghệ kết nối vận tải hành khách có tính năng như Grab, Uber.

“Việc cạnh tranh của Uber, Grab không còn nữa nhưng vẫn còn các đơn vị khác cạnh tranh với Grab và tuân theo luật cạnh tranh chứ không thể nói cảm tính chỉ còn một mình ông nên tôi không cho hoạt động. Tuy nhiên, cũng phải đánh giá trong thí điểm xe hợp đồng điện tử để đưa ra quy định quản lý trong thời gian tới”, ông Đông cho biết.

Thực tế không chỉ có 10 đơn vị cung ứng công nghệ kết nối vận tải hành khách có tính năng như ông Đông cho biết, sắp tới, còn các “đại gia” khác ở khu vực như Lalamove, Go-jek cũng “đổ bộ” vào Việt Nam.

Âm ỉ từ năm ngoái và bắt đầu từ tháng 3/2018, thông tin hãng cung cấp dịch vụ vận chuyển Go-Jek của Indonesia tuyển dụng nhân sự ở Việt Nam, chuẩn bị cho việc thâm nhập thị trường 93 triệu dân, gây xôn xao trong giới công nghệ.

Mặc dù thông tin Uber sáp nhập với Grab có thể sẽ là “không vui” đối với nhiều hãng taxi truyền thống. Nói với Dân trí, ông Trương Đình Quý, Phó Tổng giám đốc Vinasun cho rằng, Grab có thể sẽ càng “nguy hiểm” hơn vì giờ đây Grab đang ở vị trí thống lĩnh thị trường và gần đi đến “độc quyền”.

Tuy nhiên, thị trường rất nhiều biến động, khó ai có thể nói trước điều gì. Thời gian qua chúng ta cũng đã nhận thấy được những đổi mới, những nỗ lực không nhỏ của taxi truyền thống trong cuộc đua với Uber, Grab.

Bên cạnh đó, với một loạt thủ tục được đề nghị bãi bỏ tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, điều này được kỳ vọng sẽ gỡ bỏ nhiều “gánh nặng” và tạo sức bật cho taxi truyền thống.

Ông Trương Đình Quý, Phó Tổng giám đốc Vinasun cũng cho rằng, thời gian qua, doanh nghiệp vận tải khó khăn là vì điều kiện kinh doanh bất bình đẳng. Khi được cởi trói khỏi những điều kiện này thì doanh nghiệp có nhiều cơ hội hơn, sức bật sẽ lớn hơn.

Nguyễn Khánh

Grab đâu phải “một mình một chợ”, lo ngại chuyện độc quyền thao túng có thừa? - 2

Dòng sự kiện: Grab thâu tóm Uber