1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Làn sóng doanh nghiệp làm từ thiện ở Ấn Độ:

Vì ý đồ kinh doanh là chính

Hàng loạt tập đoàn lớn tại Ấn Độ đang đổ xô chạy theo phong trào làm từ thiện. Nhưng đằng sau chiến dịch vì xã hội đó là những điều mờ ám.<br><a href='http://dantri.com.vn/c76/s76-597456/Gau-Do-khong-du-chuc-nang-keu-goi-dong-gop.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Gấu Đỏ không đủ chức năng kêu gọi đóng góp</b></a>

Vì ý đồ kinh doanh là chính
Tỉ phú Mỹ Bill Gates cho trẻ em uống văcxin trong một lần đến thăm Ấn Độ. Nhiều chuyên gia cho rằng có lẽ ông Gates cần dạy cách làm từ thiện cho các tập đoàn Ấn Độ - Ảnh: Getty Images

 

Ở bất cứ thành phố lớn nào tại Ấn Độ cũng đều có những trường học, bệnh viện, trung tâm nghiên cứu y tế... do Tập đoàn Tata tài trợ. Theo số liệu của Chính phủ Ấn Độ, trong hai năm 2010 và 2011 Tata đã đầu tư hơn 100 triệu USD vào các chương trình từ thiện như thủy lợi nông thôn, tăng dinh dưỡng cho trẻ em, phổ cập giáo dục cho phụ nữ... Chủ tịch Ratan Tata nổi tiếng là người cực kỳ hào hiệp.

 

Tata đã mở đường cho phong trào thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) ở Ấn Độ. Tập đoàn Birla cũng chi tới 60 triệu USD trong một năm cho các dự án giáo dục, y tế và đóng góp vào sự phát triển của khoảng 3.000 ngôi làng. Công ty Mahindra & Mahindra thực hiện các chương trình từ thiện như dự án Nanhi Kali, dạy học cho 70.000 cô gái nghèo ở các vùng nông thôn. Tập đoàn khai thác mỏ Vedanta cũng tuyên bố đã chi 36 triệu USD trong năm 2011 để “đầu tư vào cộng đồng”...

 

Lấy lòng chính trị gia

 

Thế nhưng, liệu những hành động từ thiện này có thật sự vô tư, vô vị lợi? Tất nhiên là không rồi! “CSR đang bùng nổ ở Ấn Độ” - bà Emily Harrison, giám đốc Hãng tư vấn doanh nghiệp Innovaid Advisory Services ở Mumbai về lĩnh vực này, thừa nhận. Nhưng cách thức thể hiện trách nhiệm xã hội này của doanh nghiệp đã biến tướng. Người ta đang xa rời việc làm từ thiện vô vị lợi với những tấm séc trao tặng cho các tổ chức phi chính phủ. Giờ đây, các doanh nghiệp đang tìm cách sử dụng đồng tiền này để tạo ảnh hưởng trên môi trường, người tiêu dùng, các quan chức...”- bà Emily Harrison báo động.

 

Điển hình như vụ xìcăngđan của Tata năm 2011. Vụ bê bối này xuất phát từ nhà vận động hành lang nổi tiếng Nira Radia, làm việc cho Tata và Tập đoàn Reliance của tỉ phú Mukesh Ambani. Điện thoại di động của bà Radia đã bị cơ quan thuế vụ nghe lén gần như suốt cả năm. Năm 2010, hai tạp chí thời sự ở Ấn Độ đã có được hai đoạn băng ghi âm, và nội dung hai đoạn băng này đã được đăng tải trên mạng Internet.

 

Trong một đoạn băng, bà Radia nói chuyện với một trợ lý của Andimuthu Raja lúc đó là bộ trưởng viễn thông, người hiện đang ngồi tù vì tội nhận hối lộ để bán rẻ giấy phép kinh doanh viễn thông, khiến nhà nước thiệt hại gần 40 tỉ USD. Cả hai thảo luận việc quỹ từ thiện của Tata cung cấp các thiết bị y tế trị giá tới 4 triệu USD cho một bệnh viện ở quê nhà của ông Raja. Dư luận Ấn Độ xôn xao, Tata lên tiếng khẳng định không có ý “tranh thủ” ông bộ trưởng và chỉ hỗ trợ bệnh viện đó một máy quét trị giá 600.000 USD.

 

Nhiều chuyên gia Ấn Độ nhận định vụ bê bối của Tata cho thấy chương trình từ thiện của các tập đoàn đang có nguy cơ bị lạm dụng, trở thành trò mua bán giữa các doanh nghiệp và chính trị gia.

 

“Nguy cơ thực tế là CSR có thể tạo ra một mạng lưới bảo kê, đỡ đầu - chuyên gia Pratap Bhanu Meta thuộc Viện Nghiên cứu chính sách (CPR) cảnh báo - Một chính trị gia có thể muốn công ty chi tiền cho quỹ giáo dục này, người khác lại muốn khu vực họ đại diện phải được hưởng thứ khác”.

 

Hồi tháng 6/2011, ủy viên bầu cử S Y Quraishi cũng lên tiếng chỉ trích các tập đoàn làm từ thiện chủ yếu là để quảng bá hình ảnh, chứ không vì mục đích đóng góp thật sự cho xã hội.

 

“Họ muốn báo chí tung hô ầm ĩ dù họ chỉ đi xây một nhà vệ sinh công cộng” - ông Quraishi cho biết - Chúng ta cần Warren Buffett và Bill Gates dạy các tập đoàn Ấn Độ ý nghĩa của CSR”.

 

Các chuyên gia cho biết nhiều khi để lấy tiếng, một số công ty đến vùng nông thôn tuyên bố xây đường hay trường học mà không hề khảo sát xem cộng đồng địa phương ấy đang cần gì.

 

Để né tiếng xấu

 

Theo chuyên gia Meta, một nguy cơ nữa là việc các tập đoàn có thể chi tiền làm từ thiện để xoa dịu và dập tắt sự phản đối của cộng đồng tại các địa phương.

 

Điển hình như trường hợp của Tập đoàn Hindustan Unilever (HUL), chi nhánh của Unilever ở Ấn Độ. Hãng này thực hiện hàng loạt chương trình từ thiện như y tế, giáo dục nông thôn, bảo vệ quyền lợi phụ nữ...

 

Tuy nhiên, từ năm 2001 nhà máy của HUL lại âm thầm thải ra môi trường chất thủy ngân cực kỳ độc hại, khiến hàng loạt sông hồ tại thành phố Kodaikanal ở bang Tamil Nadu bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nhà máy này sau đó bị đóng cửa.

 

Hơn 10 năm trôi qua, HUL không hề có bất cứ chương trình gì để làm sạch môi trường ở Kodaikanal. Các nạn nhân nhiễm độc thủy ngân ở thành phố cũng không được đền bù. Khi bị truyền thông lên án, HUL càng đẩy mạnh các hoạt động từ thiện để cứu vãn hình ảnh.

 

Theo chuyên gia quản lý Gurcharan Das - cựu giám đốc Hãng Procter & Gamble chi nhánh Ấn Độ, sự bùng nổ CSR ở nước này chưa chắc sẽ đem lại cho các tập đoàn uy tín và hình ảnh đẹp như họ mong muốn.

 

Theo Sơn Hà

Tuổi trẻ/Financial Times, Financial Express, Guardian

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm