Vì sao xăng dầu giảm giá, nước thuận lợi nhưng điện vẫn khó “đứng yên”?

(Dân trí) - Ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, dù giá dầu giảm và hoạt động thủy điện thuận lợi song do than tăng giá cộng thêm nhiều khoản phát sinh, EVN vẫn còn “treo” 15.000 tỷ đồng chi phí chưa được bù đắp vào giá thành.

 EVN đang đề xuất Bộ Công thương cho bổ sung một loạt chi phí phát sinh vào giá điện 2015.
 EVN đang đề xuất Bộ Công thương cho bổ sung một loạt chi phí phát sinh vào giá điện 2015.
 

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 

 

Hân hoan thời khắc chuyển giao năm mới

* Sẽ hỗ trợ sản xuất, kinh doanh xăng E5

* Năm 2015 đã “gõ cửa”!

* Cho bán, chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước

* Rộn ràng trước thời khắc giao thừa

Trao đổi tại phiên họp báo diễn ra chiều 30/12, ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, giá dầu giảm thì giá điện cũng phải giảm, về mặt nguyên lý là đúng.
 
Thực tế, giá dầu khi giảm thì khí của PM3 cung cấp cho Nhiệt điện Cà Mau giảm, khí của Lô Hải Thạch, Mộc Tinh cũng giảm, giá khí cấp cho bao tiêu cấp cho Nhơn Trạch 1- Nhơn Trạch 2 và một số nhà máy của EVN khi dùng trên bao tiêu (2,5 tỷ m3/năm) cũng giảm giá.
 
Tuy nhiên, theo ông Tri, giá than tiếp tục tăng lên và không điều chỉnh theo giá dầu vì mua trong nước.
 
Từ 1/1/2013 đến 19/4/2013 thì giá than là 1.006.000 đồng/tấn, từ 20/4/2013 đến 1.397.000 đồng/tấn, tăng 38,9%. Đến 1/8/2013 tăng lên 1.615.000 đồng/tấn, tăng thêm 15,6%. Đến 22/7/2014 cho đến nay là 1.750.000/tấn.
 
Về việc điều chỉnh giá điện sắp tới, năm 2014, không tăng giá điện nhưng một loạt chi phí vẫn “treo” lại. Cụ thể, theo tính toán sơ bộ của EVN, do điều chỉnh giá than cho sản xuất điện, chi phí tăng thêm 2.271 tỷ đồng. Do điều chỉnh giá khí trên bao tiêu, chi phí tăng thêm 1.414 tỷ đồng. Do biến động tỷ giá, EVN mất thêm 128 tỷ đồng.
 
Trong khi đó, do thủy điện năm nay thuận lợi, EVN đã giảm được chi phí 2.055 tỷ đồng. Song thuế tài nguyên nước tăng từ 1/2/2014 từ 2% lên 4%, EVN phải nộp thêm 1.504 tỷ đồng. Chi phí phát triển lưới điện nông thôn tăng thêm 1.019 tỷ đồng, một số chi phí của các nhà máy IPP mà EVN phải chi thêm theo quyết định của Chính phủ là khoảng 1.800 tỷ đồng, bổ sung chi phí môi trường rừng năm 2011-2012 của các nhà máy thủy điện nhỏ (dưới 30 MW) là 166 tỷ đồng. Chênh lệch tỷ giá là 8.811 tỷ đồng. Tổng cộng lại khoảng 15.000 tỷ đồng.
 
Để xử lý, cách đầu tiên chính là tăng giá điện, bù đắp được toàn bộ, song chưa thể tăng. Do vậy, năm 2014, EVN đề xuất Chính phủ một loạt các giải pháp: Thứ nhất, 8.800 chênh lệch tỷ giá, nếu theo chế độ kế toán thông thường thì phải hạch toán vào trong giá thành, song EVN xin Chính phủ cho lui thời hạn phân bổ sau 2015. Thứ hai, một số khoản chi phí thanh toán cho PVN do giá khí tăng, EVN báo cáo Chính phủ xin cho thanh toán chậm lại.
 
“Nếu có các giải pháp khác thì đương nhiên Bộ Công thương sẽ ủng hộ để kìm hãm việc tăng giá điện. Cả năm 2014, không tăng giá điện đều là vì có những giải pháp kèm theo chứ không phải để EVN tự bơi một mình. Nếu để EVN tự bơi thì chắc chắn lỗ, một loạt dự án không vay được vốn sẽ phải dừng”.
 
Nếu giá dầu sắp tới tiếp tục giảm, thậm chí xuống 40 USD/thùng thì có thể EVN sẽ “nhẹ” hơn nhưng nếu miền Nam tăng trưởng phụ tải quá nhanh buộc EVN phải “đổ dầu vào đốt” thì đó sẽ là thảm họa. Khi đó giá thành 5.600 đồng/kWh mà bán ra 1.500 đồng thì không thể nào chịu nổi!”, ông Tri nói.

Tại Hội nghị Tổng kết năm 2014 của Bộ Công thương diễn ra sáng nay (31/12/2014), EVN đề xuất, bên cạnh chỉ đạo tăng cường thực hiện tiết kiệm điện thì “Bộ quan tâm bổ sung các chi phí đầu vào tăng thêm vào giá điện năm 2015 như: tăng giá khí, giá than cho sản xuất điện, thuế tài nguyên, chi phí trồng rừng, chi phí trả tiền sử dụng đất của các hồ thủy điện theo Luật đất đai mới”.
 
Bích Diệp

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Dòng sự kiện: Tăng giá điện từ 16/3