Vì sao Việt Nam là điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài?

(Dân trí) - Việt Nam là địa điểm lý tưởng thứ 2 ở Đông Nam Á để mở rộng kinh doanh nhờ chính trị ổn định, điều kiện kinh tế thuận lợi, dân số trẻ và tầng lớp trung lưu ngày một gia tăng...

Chiều 10/11, tại TPHCM đã diễn ra buổi công bố kết quả khảo sát doanh nghiệp Châu Á 2016 với mục tiêu tìm hiểu cách thức doanh nghiệp Châu Á nắm bắt cơ hội kinh doanh từ xu hướng và các dòng chảy thương mại kinh tế toàn cầu cũng như trong khu vực.

Theo báo cáo doanh nghiệp Châu Á năm 2016, khảo sát hơn 2.500 doanh nghiệp ở Trung Quốc, Hong Kong, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan... thì hơn 1/4 các doanh nghiệp được khảo sát có dự định mở rộng kinh doanh vào Việt Nam trong 3-5 năm tới. Trong đó, các doanh nghiệp từ Malaysia, Thái Lan và Singapore đặc biệt quan tâm tới thị trường Việt Nam. Các lĩnh vực được dự báo sẽ hưởng lợi từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài như xây dựng, bất động sản, năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, y tế, dược phẩm, công nghiệp sản xuất.

Chính phủ Việt Nam nỗ lực cải cách hành chính để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong và ngoài nước sản xuất kinh doanh
Chính phủ Việt Nam nỗ lực cải cách hành chính để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong và ngoài nước sản xuất kinh doanh

Theo "nhận diện" của nhóm nghiên cứu thì doanh nghiệp Châu Á bị thu hút bởi các thị trường ổn định, có nhu cầu lớn và ngày một gia tăng. 2/5 doanh nghiệp Châu Á tìm kiếm các thị trường có môi trường chính trị và kinh tế ổn định, nhu cầu lớn và ngày một gia tăng của khách hàng.

Những yếu tố tác động chính đến lựa chọn địa điểm mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp Châu Á gồm: môi trường chính trị và kinh tế ổn định, nhu cầu lớn và ngày một gia tăng của khách hàng, thuế suất ưu đãi và môi trường pháp lý thuận lợi, sự kết nối chặt chẽ của doanh nghiệp địa phương và ưu đãi từ Chính phủ.

Việt Nam là địa điểm lý tưởng thứ 2 ở Đông Nam Á để mở rộng kinh doanh nhờ chính trị ổn định, điều kiện kinh tế thuận lợi, dân số trẻ và tầng lớp trung lưu ngày một gia tăng... Xếp đầu khu vực là Singapore, Việt Nam xếp thứ 2, tiếp đến là Thái Lan, Malaysia và Indonesia.

Ông Eric Tham, Trưởng nhóm nghiên cứu của ngân hàng UOB cho biết, ông đang dẫn hơn 100 doanh nghiệp hàng đầu Châu Á sang thăm Việt Nam. Chỉ vài ngày ngắn ngủi ở Việt Nam mà các doanh nghiệp này đã thấy nhiều cơ hội để phát triển kinh tế.

"Chúng tôi thấy được tinh thần khởi nghiệp của Việt Nam rất mạnh mẽ từ những cậu bé, nhân viên khuân hành lý khách sạn đến các doanh nghiệp. Điều đó, cho thấy các bạn đang hướng đến tương lai tốt đẹp hơn. Đây cũng là những dấu hiệu hết sức khả quan và tin rằng tin thần khởi nghiệp này của Việt Nam sẽ lan toả ra cả Châu Á", ông Eric Tham nói.

Thị trường Việt Nam có ​nhu cầu lớn và ngày một gia tăng của khách hàng
Thị trường Việt Nam có ​nhu cầu lớn và ngày một gia tăng của khách hàng

"Trong hơn 20 năm qua, tôi thấy Việt Nam thay đổi lớn và hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài khi có nhiều tập đoàn đa quốc gia đặt văn phòng. Trong thập kỷ qua, mặc cho những khó khăn nhưng Việt Nam đạt những chỉ số khả quan, đặc biệt sau năm 2009, các bạn phát triển mạnh và đến 2015 đạt tăng trưởng 6,7%. Đó là lý do mà Việt Nam đang trở thành điểm đến lý tưởng thu hút đầu tư", ông Eric Tham nhận định.

Trong khi đó, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong tư tưởng các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản thì đầu tư vào Việt Nam là ưu tiên số 1. Thậm chí, doanh nghiệp Hàn Quốc từ suy nghĩ đến hành động khá nhanh nên có khi chỉ 3-6 tháng là quyết định đầu tư ngay.

Ông Hoàng cho rằng, điểm thu hút đầu tư của Việt Nam không chỉ là có nền kinh tế, chính trị ổn định mà là nơi có mức thuế suất cạnh tranh thấp. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam luôn rất quan tâm cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước lẫn nước ngoài đang hoạt động thuận lợi.

"Việt Nam kiên trì thu hút đầu tư phát triển xanh, bền vững với hàm lượng chất xám cao. Khuyến khích thu hút các dự án công nghệ chế tạo, công nghệ cao, công nghệ sinh hoc, y tế, giáo dục... Tuy nhiên, Việt Nam không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế", ông Hoàng khẳng định.

Công Quang